Martin Heidegger (1889-1976) là một triết gia Đức. Ông xuất thân từ một gia đình thợ thủ công ở Messkirch, nước Đức. Ông có dáng người nhỏ nhắn, sống một cuộc đời vô cùng giản dị và khiêm tốn.
Ngay khi học trung học, ông đã có ý định đi tu. Ông vào nhà tập Dòng Tên, nhưng sau một tuần vì nhiễm bệnh nên phải xin ra. Ông học thần học với chủ đích tiếp tục tìm hiểu về ơn gọi của mình. Năm 1911, một cuộc khủng hoảng đã rẽ cuộc đời ông sang một hướng khác. Ông quyết định không còn đeo đuổi ơn gọi tu trì nữa và chuyển sang học triết học. Sau khi đậu tiến sĩ, ông muốn giảng dạy triết Trung Cổ tại đại học Freiburg danh tiếng nhưng trường này lại không nhận vì thấy tư tưởng của ông khác lạ so với triết học Trung Cổ. Tuy có đại học khác sẵn sàng mời nhưng ông lại từ chối. Năm 1916, nhận thấy thiện chí của Heidegger, Husserl đã nhận ông là trợ giảng cho mình. Kể từ đây, Heidegger bắt đầu đi sát vào tư tưởng của Husserl.
Năm 1917, ông kết hôn với cô Elfriede Petri theo đạo Tin Lành, rồi lại đánh bạn với giáo sư thần học Rudolf Bultmann ở đại học Marburg khi ông còn là giáo sư liên kết tại đây. Từ 1918-1923, ông trở lại đại học Freiburg với tư cách là một trợ lý cao cấp (được trả lương) của Husserl. Năm 1923, ông được bầu vào chức vị giáo sư xuất sắc về triết học tại Đại học Marburg. Năm 1927, Heidegger trở thành giáo sư đầy đủ của Đại học Marburg.
Sau khi Husserl nghỉ hưu năm 1928, Heidegger nhận chức Trưởng khoa triết học ở Đại học Freiburg.
Heidegger gia nhập Đảng Quốc xã vào năm 1933, cùng năm này ông trở thành Hiệu trưởng của Đại học Freiburg. Năm 1934, Heidegger đã từ bỏ chức vụ Hiệu trưởng vì một vài nguyên nhân.
Heidegger nghiên cứu tư tưởng của Nietzsche, cụ thể là quan niệm về siêu nhân, thế giới của những người mạnh, cần phải gạt bỏ đi những gì là tù túng, yếm thế. Nietzsche đã dùng Nihilism (hư vô học) để thay thế cho hữu thể học trong quá khứ. Cũng vì Heidegger nghiên cứu những tư tưởng này của Nietzsche nên Hitler muốn mời ông về dạy ở đại học Berlin nhưng ông đã từ chối; và cuối cùng ông cũng bỏ luôn đảng Đức Quốc Xã.
- Các tác phẩm:
- Tồn tại và thời gian (1927)
- Kant và vấn đề siêu hình học (1929)
- Nhập môn siêu hình học (1935)
- Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (1935)
- Đóng góp cho triết học (1936-1938)
- Về thể tính của chân lý (1929)
- Học thuyết Platon về chân lý (1942)
- Lời cố quận (1944)
- Bức thư về chủ nghĩa nhân đạo (1947)
- Những con đường rừng (1950)
- Những bài thuyết trình và những bài viết (1952)
- Tư duy là gì? (1954)
- Nietzsche (1961)