Ấn phẩm "Lời cố quận" của tác giả Martin Heidegger do dịch giả Bùi Giáng chuyển ngữ được nhà xuất bản An Tiêm ấn hành lần thứ nhất năm 1972. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp, sách nguyên áo, bìa, gáy, ruột đủ trang, lõi sách chắc chắn.
Những dò dẫm cố gắng giải tỏ vài bài thơ Hoelderlin vốn từng được in ra riêng rẽ, nay được góp về in chung trong tập sách này, không sửa đổi.
Những lời giảng giải quy thuộc vào một vùng hội thoại của một tư tưởng và một tiếng thơ mà tính chất riêng biệt sử lịch tuyệt trù chẳng bao giờ có thể được chứng minh bằng lối phê bình văn học sử học, mà duy chỉ có thể được chỉ tỏ bằng con đường của một hội thoại suy tư.
Một lời ghi chú vốn đã in từ trước, nhận định về sự giảng giải như sau:
Thơ Hoelderlin thật ra là gì, cho tới bây giờ chúng ta vẫn chưa biết, mặc dù những nhan đề "Bi Ca" và "Tán Ca". Những bài thơ trông như một chiếc "sương khiệp" bỏ ở một góc âm thầm, trong đó cái điều thơ nói ra được giữ kín. Giữa tiếng ồn ào của những "ngôn ngữ phi thơ" những bài thơ giống như một chiếc chuông treo ở ngoài trời và chỉ cần một chút tuyết rơi nhẹ nhẹ chạm vào, đủ khiến chiếc chuông lạc đi âm điệu.
Có lẽ vì thế mà Hoelderlin, trong những vần thơ muộn màng về sau, đã có một lần nói một lời nghe như văn xuôi, mà thơ mộng ít khi thơ bì kịp (Phác họa về Kolomb):
Vì một chút nhỏ nhoi sự thể
Như vì một chùm tuyết
Rớt xuống vội vàng
Chiếc chuông lạc mất điệu
Chiếc chuông
Người ta gõ
Cho bữa ăn chiều tối.
Có lẽ rằng mỗi lời giảng giải những bài thơ này là mỗi trận tuyết rơi xuống chiếc chuông.
Dù một lời giải thích mãi mãi chỉ có thể làm gì và mãi mãi chẳng thể làm được gì, thì điều sau đây vẫn luôn luôn còn chỗ thích hợp để nêu ra: vì cần phải để cho cái tiếng thơ thuần khiết ở trong thơ được tỏ rõ thêm chút ít, mà câu thuyết thoại giảng giải và sưu tầm phải từng phen chịu vỡ toang từ ngữ. Vì thể theo ân tình của tiếng thơ, mà lời giảng thơ phải gắng làm sao để tự khiến mình trở thành thừa thãi. Cái bước đi tối hậu, nhưng cũng là bước khó khăn nhất cho lời giảng, ấy là làm sao cho mình biến mất mình đi, chìm tan theo mọi lời giải thích, trước sự hiển hiện thuần khiết của bài thơ.Từ đó bài thơ đứng lên trong cốt cách thể lệ của riêng nó, lập thời mang lại một ánh sáng cho những bài thơ khác. Vì lẽ đó, mỗi phen đọc lại những bài thơ, chúng ta tưởng như vẫn từng thường hằng thể hội theo như thế. Tưởng được như vậy, thật là tốt lắm.
- Theo lời nói đầu-