Ấn phẩm "Nghệ thuật sân khấu Việt Nam" của tác giả Trần Văn Khải, do Nhà sách Khai Trí ấn hành năm 1970. Ấn bản đang được lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp, còn bìa gáy, gáy bị sứt một tí, gồm 265 trang.
"... Hiện nay sân khấu Việt Nam có ba bộ môn: Hát Bội, Cải Lương và Thoại Kịch. Thiết tưởng nước nhà có thể tự hào để trình cho người ngoại quốc xem ba điệu diễn tuồng của mình, mà mỗi điệu, nếu biết thưởng thức, đều có cái hay của nó.
Hát Bội hay về lối cổ điển. Về hình thức tuy cổ lỗ, nhưng về tinh thần nó có thể tượng trưng cho cái "Nho phong sĩ khí" của dân tộc Việt Nam. Nó nêu lên được những gương nghĩa sĩ trung thần, nghĩa phu tiết phụ, những cảnh bạn thiết, tớ trung và phụ từ, tử hiếu. Những trạng huống éo le gay cấn trong lịch sử Tàu hay lịch sử nước nhà đều được hát bộ đem ra trình diễn để làm gương cho hậu thế.
Song nghệ thuật hát Bội rất sâu sắc. Muốn thưởng thức cái hay, cái đẹp của điệu hát ấy, khi xem cần phải chú ý rất nhiều và quan sát kỹ càng mới lĩnh hội được chỗ sâu sắc của hát Bội.
Trái lại điệu Cải Lương là một lối hát bình dân. Ai xem cũng hiểu được. Nó có thể hấp dẫn một số đông khán giả nhờ tính cách bình dân của nó. Gia dĩ cách bố cục, phân màn và dàn cảnh của điệu Cải Lương đều phỏng theo lối Âu châu, nên dễ xem. Lối hát nầy khi diễn tuồng xã hội, được hạp nhãn người ngoại quốc hơn.
Về Thoại Kịch, mới phát khởi trong lúc sau này, nên còn trong thời kỳ phôi thai. Nhưng có một vài vở kịch có thể nói là vừa xem đặng, nhờ tài diễn xuất khả quan của một ít kịch sĩ ưu tú.
Trong sách nầy, chúng tôi xin tuần tự lược khảo ba điệu diễn kịch của nước nhà để cống hiến quí độc giả những đặc điểm của mỗi điệu.
Trong hai chương đầu, chúng tôi có trích dẫn những câu Hát Bội và những bài ca Cải Lương của các soạn giả hữu danh để làm tài liệu biên khảo...".
- Trích Tựa