Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), tên thật là Nguyễn Đăng Nghi, húy là Thịnh, tự là Cư Trinh, hiệu là Đạm Am, Đường Qua và Hạo Nhiên. Ông là danh tướng, danh sĩ thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và Định vương Nguyễn Phúc Thuần. Ông được biết đến là vị tướng trấn giữ biên cương miền Nam và góp phần to lớn trong công cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn, ông nổi tiếng là người liêm chính, giỏi việc chính trị, doanh điền, ngoại giao và có phong độ của một trạnh thần (bầy tôi dám can ngăn).
Nguyễn Cư Trinh là người ở xã An Hòa, tổng An Hòa, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, nay là phường An Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cha Nguyễn Cư Trinh là ông Nguyễn Đăng Đệ thuộc đời thứ 7, vốn nổi tiếng về tài văn chương, thi đỗ sinh đồ, làm Tri huyện Minh Linh, phủ Quảng Bình, xứ Thuận Hóa (nay thuộc Quảng Trị), được chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu mến tài ban cho quốc tính (được mang họ Nguyễn).
Là con út trong gia đình có truyền thống văn học, ngay từ nhỏ Nguyễn Cư Trinh cùng anh họ là Nguyễn Đăng Trình, đều đã nổi tiếng hay chữ. Sau này, khi Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi chúa, những luật lệ đều do Nguyễn Đăng Thịnh đặt ra mà văn từ thì đều do Nguyễn Cư Trinh thảo.
Ông lúc còn nhỏ đã biết làm văn, khi đi thi Hương, đỗ sinh đồ. Năm ông 18 tuổi, ông được sung làm Huấn đạo.
Năm Canh Thân 1740, ông thi đỗ hương cống và được bổ làm Tri phủ phủ Triệu Phong.
Năm Tân Dậu 1741, ông được sung làm Văn chức.
Năm Canh Ngọ 1750, ông được phong làm Tuần phủ phủ Quảng Ngãi tước Nghi Biểu Hầu.
Năm Quý Dậu 1753, ông được bổ làm Ký lục dinh Bố Chính. Cùng năm này, ông được triệu làm tham mưu, cùng Thống suất Thiện Chính chinh phạt Chân Lạp.
Năm Ất Dậu 1765, ông được triệu về Kinh nhận trách nhiệm tại bộ Lại.
Năm Đinh Hợi 1767, ông bị bệnh mà mất, hưởng dương 51 tuổi. Là một vị quan giỏi, ông được triều đình truy phong và sắc phong nhiều mỹ hiệu khác nhau.
- Các tác phẩm:
- Sãi Vãi (chữ Nôm)
- Quảng Ngãi thập nhị cảnh (chữ Nôm)
- Đạm Am thi tập (chữ Hán)
- Hà Tiên thập cảnh vịnh (chữ Hán)