Ấn phẩm "Nhật Bản duy tân dưới thời Minh trị Thiên hoàng" của tác giả Nguyễn Khắc Ngữ, sách do nhà xuất bản Trình Bày ấn hành năm 1969. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất đẹp, sách nguyên bìa gáy, ruột đẹp, lõi sách chắc chắn. Sách dày 188 trang.
Sau sự thành công của Nhật Bản về chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao, các nước Á châu bắt đầu thức tỉnh. Các nhà ái quốc đã nhận thấy rằng không thể bám lấy các tập tục cổ truyền để rồi dân hèn, nước yếu và tha hồ để các nước Tây phương áp bức. Họ đã đề xướng một phong trào duy tân rộng lớn khơi mào cho sự vùng dậy chống ngoại xâm dành độc lập.
Ở Nam Dương, các tổ chức duy tân cũng bắt đầu phát triển mạnh từ năm 1905. Năm 1908, tổ chức Boedi Oetomo, một tổ chức của giới tri thức Nam Dương đến 10.000 hội viên, đã phát động mạnh phong trào học hỏi để tiến bộ và gây ý thức quốc gia. Trong đó có tổ chức Sarekat Islam của người Hồi giáo cũng đề cao Âu học, sự hợp tác và mở mang cơ sở thương mại để gây ảnh hưởng chống lại các thương gia Trung Quốc. Hội giáo này có đến 80.000 hội viên và đã gây được phong trào Duy Tân ở mọi giai cấp trong xã hội Nam Dương để trở nên là tổ chức quốc gia cấp tiến nhất của xứ này. Và gương duy tân của Nhật Bản quả là một kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia nhược tiểu.
( Trích từ tác phẩm )