Ấn phẩm "Nhật Bản Sử Lược" của tác giả Châm Vũ Nguyễn Văn Tần. Tập I và II do nhà xuất bản Tự Do ấn hành, Tập III và IV do nhà sách Khai Trí ấn hành. Ấn bản đang được lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất đẹp, sách nguyên bìa gáy (gáy tập II bị mất một khúc), ruột đẹp, lõi sách chắc chắn. Đủ bộ 4 cuốn. Tập I dày 298 trang, Tập II dày 330 trang, Tập III dày 370 trang, Tập IV dày 520 trang. Trong sách có kèm theo hình ảnh và bản đồ minh họa.
"Với mục đích giới thiệu với quốc dân ta lối soạn Sử của người Nhật Bản, chúng tôi phân tách các Thời Đại xưa và nay, đồng thời ít chú trọng đến những truyền thuyết hoang đường theo đúng quan niệm về 'quốc gia' của những sử gia hiện đại. Cũng như bộ Nhật Bản Chi Tích, chúng tôi phân bộ Nhật Bản Sử Lược thành 4 Quyển, trình bầy từ thượng cổ đến kim thời 1959, năm mà Hoàng gia Nhật Bản làm cuộc cách mạng về nhân quyền bằng thực hiện Hoàng Dân hôn phối. Những lời bàn của sử gia, chúng tôi cũng triệt để tôn trọng để quốc gia ta thông cảm tư tưởng của tầng lớp sỹ phu nước Nhật từ sau đệ nhị thế chiến 1938-1945.
Tại Quyển I, vì có pha quá nửa thời gian về sự việc của hai thời đại hỗn mang ức đoán và hỗn sơ vị tường niên gian nên chúng tôi dịch thuật sơ lược. Từ Quyển II xắp đi, rộng mở các vấn đề và càng giáp đến cận đại và kim thời, thời càng đi sâu vào chi tiết hơn.
Về phần diễn tả, chúng tôi đặt những danh tự riêng thành hệ thống phân minh cả về thể La Mã tự lẫn Hán tự. La Mã tự đọc theo tiếng Nhật giành riêng cho những bạn muốn khảo cứu và liền đấy thì phiên âm Hán tự sang tiếng Việt cho những bạn đọc truyện. Ví dụ như trên kia: ông Kuroki Yoshinori thì phiên âm ngay tiếng Việt là Hác Mộc Nghĩa Điển vậy. Đáng lẽ chúng tôi viết kèm cả Hán văn, nhưng Hán văn của Nhật Bản thường có kèm cả thể chữ quốc ngữ Hiragana - (Bình Giả Danh) - cùng đôi khi có một vài chữ riêng tựa như thứ chữ (nôm) của ta nên e nhà in ở đây chưa có loại chữ này mới đành chỉ viết theo hai thể: âm Việt và âm La Mã tự. Duy viết theo âm La Mã tự, chúng tôi chỉ viết lần đầu, còn từ lần thứ hai trở đi viết thuần âm Việt, ví như: Suiko Tenno - (Suy Cổ Thiên Hoàng) - thì từ lần thứ hai trở đi chỉ viết thuần Suy Cổ Thiên Hoàng, vì thuần La Mã tự sẽ phiền cho phần đông độc giả, vừa khó đọc vừa khó nhớ. Xem truyện mà không nhớ tên nhân vật của truyện sẽ mất hứng thú. Hơn nữa, chúng tôi ước vọng, nhờ ở phiên âm Hán tự của Nhật sang tiếng Việt mà quốc dân ta chóng ý niệm được các nhân vật cổ kim, kẻ hay người giở hoặc những tên Lưu Bị, Tào Thào, Tống Địch Thanh hay là Hứa Đô, Xích Bích của Trung Quốc vậy.
[...] Ngoài ra, để độc giả rõ được vị trí các khu, các xứ với những thủ đô cổ kim, cùng sự phân chia đất đai tùy theo biến chuyển của mỗi thời đại, chúng tôi đều có trình bầy nhiều bản đồ kèm theo những hình ảnh tiêu biểu cho mỗi giai đoạn tiến triển về văn hóa xưa và nay".
- Trích Phàm Lệ: Trình bầy nội dung bộ Nhật Bản Sử Lược