Nếu tư tưởng là một hoạt động tinh thần để phân định giá trị của con người và các loài động vật thực vật khác nhau, thì đồng thời tư tưởng cũng là một yếu tố tâm linh để nương vào đó là người ta có thể hiểu được những bất đồng giữa người này và người khác, giữa dân tộc nọ và dân tộc kia.
Chúng ta, mọi người Việt Nam trong khi hãnh diện với nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, và trong khi tha thiết với công cuộc phục hưng những tinh thần truyền thống của Đông Phương - dù chúng ta vẫn niềm nở tiếp nhận thâu hóa các ngành văn minh kỹ nghệ Âu - Mỹ - thì chúng ta không thể nào không nghiên cứu tìm hiểu đến những nước láng giềng, nhất là những nước cùng một nguồn gốc văn hóa với dân tộ chúng ta. Nhật Bản là một trong số các nước láng giềng ấy.
Chúng ta nghiên cứu đến các ngành văn hóa tư tưởng của Nhật Bản, ngoài mục đích tìm hiểu những điểm dị - đồng giữa hai dân tộc Việt - Nhật, còn có một lợi ích khác là sẽ nhờ đó rút tỉa những kinh nghiệm thích ứng với hoàn cảnh dân tộc trong việc tiếp nhận văn hóa ngoại quốc, hầu cải tiến và xây dựng xứ sở.
Với mục đích ấy, các nhà nghiên cứu, soạn giả, dịch giả đã dày công sưu tầm, phiên dịch các ấn phẩm về tư tưởng, lịch sử, giáo dục Nhật Bản. Hôm Nay, Quán Sách Mùa Thu giới thiệu đến Quý nhà sưu tầm và bạn đọc các ấn phẩm tiêu biểu nghiên cứu về Nhật Bản sau:
1. Nhật Bản sử lược
"Nhật Bản sử lược" của tác giả Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, sách do nhà xuất bản Khai Trí ấn hành lần thứ nhất năm 1970. Ấn phẩm đồ sộ gồm 4 cuốn trình bày đầy đủ các khía cạnh của lịch sử Nhật Bản. |
2. Nhật Bản tư tưởng sử
Bộ sách “Nhật Bản tư tưởng sử” của tác giả Ishida Kazu Yoshi được dịch giả Châm Vũ và Nguyễn Văn Tần dịch sang Việt văn. Sách do Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa ấn hành năm 1973. Bộ sách được chia thành hai chín Mục trong bốn Chương. Tại mỗi đầu Mục có giới thiệu những tài liệu nào đã được tham khảo để giúp tác giả hoàn thành Chương sách. Ở cuối Chương mới là phần bổ túc bằng khái luận của tác giả. |
3. Lịch sử tư tưởng Nhật Bản
"Lịch sử tư tưởng Nhật Bản" của tác giả Thích Thiên Ân, sách do nhà xuất bản Đông Phương ấn hành lần đầu năm 1965. Nội dung quyển sách này làm 4 phần: - Quốc gia Nhật Bản ở thời cổ đại - Tư tưởng truyền thống của Nhật Bản - Tôn Giáo và tư tưởng Nhật Bản - Nhật Bản ở thời cận đại và hiện đại |
4. Nhật Bản Duy Tân dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng
"Nhật Bản duy tân dưới thời Minh trị Thiên hoàng" của tác giả Nguyễn Khắc Ngữ, sách do nhà xuất bản Trình Bày ấn hành năm 1969. Sau sự thành công của Nhật Bản về chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao, các nước Á châu bắt đầu thức tỉnh. Các nhà ái quốc đã nhận thấy rằng không thể bám lấy các tập tục cổ truyền để rồi dân hèn, nước yếu và tha hồ để các nước Tây phương áp bức. Họ đã đề xướng một phong trào duy tân rộng lớn khơi mào cho sự vùng dậy chống ngoại xâm dành độc lập. |
5. Giáo dục Nhật Bản hiện nay
"Giáo dục Nhật Bản hiện nay" do tác giả Đoàn Văn An biên soạn, sách được nhà xuất bản Bộ Văn Hóa Giáo Dục ấn hành năm 1965. Nội dung tập sách này đại khái chia làm 5 phần: Phần thứ nhất: sẽ đề cập đến tinh thần tổng quát của ngành giáo dục Nhật Bản và lịch sử biến thiên của nó qua các thời đại từ xưa đến nay. Phần thứ nhì: sẽ nói đến phần giáo dục hành chánh về hệ thống quản trị của nghành giáo dục Nhật Bản từ thành thị đến thôn quê, từ toàn quốc đến khu vực lẻ tẻ. Phần thứ ba: phần chính của tập sách, trong đó sẽ trình bày đầy đủ rõ ràng về cách thức tổ chức, niên hạn học tập và phương pháp giáo dục của Nhật Bản qua các nghành ấu trỉ viện, tiểu học, trung học, cao đẳng, rồi đến vấn đề phụ nữ giáo dục và đại học. Phần thứ tư: sẽ nêu rõ các nghành giáo dục đặc biệt như: phương pháp giáo dục cho các trẻ em tật bịnh, mù điếc, câm ngọng, đồng thời cũng đề cập đến một cách đầy đủ các vấn đề như xã hội giáo dục, khoa học giáo dục, nghệ thuật giáo dục, đạo đức giáo dục, tôn giáo, giáo dục... Phần thứ năm: hay phần cuối cùng là phần tổng kết. Trong phần này sẽ giới thiệu tổng quát những cải cách, những tiến triển, và những đặc trưng của ngành giáo dục Nhật Bản hiện tại. |
6. Nhật Bản một kinh nghiệm phát triển
"Nhật Bản một kinh nghiệm phát triển" của tác giả Nguyễn Tử Lộc, sách do nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1974. Trong một thời gian tương đối ngắn, Nhật Bản đã vượt thoát tình trạng phong kiến và trở thành một trong những nước kỹ nghệ tiên tiến nhất thế giới. Câu hỏi Tạo sao và Thế nào sẽ được giải đáp bởi một chánh khách lão thành và được trọng vọng nhất Nhật. Dưới thời chính phủ Yoshida-tác giả sách này-Nhật Bản sau cuộc phục hoạt lừng lẫy nhất. Cuộc phục hoạt này được ghi rõ ràng và linh động trong những trang dưới đây. |