Ấn phẩm “Phạm Duy đã chết như thế nào?” là tập tiểu luận của tác giả Nguyễn Trọng Văn, sách được nhà xuất bản Văn Mới ấn hành năm 1971. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất tốt, sách đầy đủ bìa gáy, ruột dày 141 trang rất đẹp, lõi sách chắc chắn.
“Phạm Duy đã chết như thế nào?” của Nguyễn Trọng Văn bàn tới những vấn đề gì? Trước nhất là danh từ “Phạm Duy”: có nhiều con người Phạm Duy, có Phạm Duy bằng xương bằng thịt, Phạm Duy cha và chồng trong gia đình, bạn bè với anh em văn nghệ sĩ ngoài xã hội. Có Phạm Duy nhạc sĩ, Phạm Duy của những kháng chiến ca, dân ca, tân ca, tình ca, vỉa hè ca… có Phạm Duy ca sĩ và kịch sĩ, Phạm Duy hát rất khoẻ, nghiện hát và nghiện đóng kịch. Tác giả không xét tới Phạm Duy bằng xương bằng thịt, không hề đả động tới đời tư của ông tốt xấu ra sao, không bới móc cá nhân, trái lại, tác giả chỉ xét tới Phạm Duy nhạc sĩ, ca sĩ và kịch sĩ mà thôi. Cuốn sách này đề ra những vấn đề như thế này:
- Có nhiều Phạm Duy, Phạm Duy nhạc sĩ, ca sĩ và kịch sĩ Phạm Duy kháng chiến ca, dân ca, tình ca...Vậy Phạm Duy nào đã chết hoặc chết cả?
- Những Phạm Duy đó đã chết như thế nào trong lòng người thành thị cũng như trong lòng dân tộc?
- Từ những cái chết đó có thể rút ra được bài học gì?
Để rồi ta nhận ra rằng, điều làm Phạm Duy có một chân đứng trong lòng dân tộc không phải là tháng độ sống và những sáng tác của ông ở thời điểm cuốn sách này được xuất bản mà là thái độ dấn thân và những sáng tác của ông ở những năm 1945.