Ấn phẩm "Phật học tinh hoa một tổng hợp đạo lý" của tác giả Đức Nhuận, sách do Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản năm 1971. Sách đang được lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng còn bìa gáy, bìa trước bị mất hai góc, sách dày 448 trang, ruột đẹp, lõi chắc chắn.
---------------------------------
Mỗi khi nghĩ đến sự tiến triển tinh thần của nhân loại, chúng ta không thể không có những phút suy tư !... Tìm ở khoa học? – Khoa học đương trong vòng nghiên - cứu, thực nghiệm. Tìm ở triết học? – Triết học với những luận lý bất đồng. Tìm ở tôn giáo? - Tôi thường băn khoăn tự hỏi, liệu rồi đây người ta có thể nào tìm ra ánh sáng chân lý để giải quyết những khác biệt giữa các tư tưởng, tôn giáo, chủ nghĩa hiện đương là mối xung đột trầm trọng, mà mọi giá trị tinh thần xưa cũ đều bị phá đổ, làm đảo lộn cả nếp sống văn minh nhân loại? ! Vốn mang trong thần trí những nghi ngờ..., hàng ngày tôi lại được sống cạnh những tàng kinh sách, tuy đã bị thời gian bụi phủ song tư tưởng của những áng văn trác tuyệt đó, bao giờ cũng vẫn là di sản bất di dịch, đượm hương sắc của đạo Từ bị Trí tuệ, vì ở đấy đã sản sinh những kỳ hoa dị thảo làm đẹp cho cuộc đời, và giúp con người có một tinh thần tự chủ, vui sống. Bao nhiêu mối hoài nghi về Vũ trụ, con người, về quan niệm sống và sự tiến hóa chung, đạo Phật đều giải quyết hầu như toàn mỹ.
Điều này cũng dễ hiểu. Ta hãy ôn lại những lời dạy của đức Phật làm minh chứng. "Này ! các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hãy tinh tiến để giải thoát. Các người hãy quay lại với mình; các người là Phật đấy". Bên phía trời tây, nhà hiền triết Socrate (470-399 TTL) cũng nói những câu tương tự: "Connais-toi toi-même" : Hãy tự mình tìm hiểu mình. Con người phải làm chủ cuộc sống, ngoài sự tự cứu, con người còn có đặc quyền khám phá những gì... bí ẩn trong trời đất bao la – "Bất cứ loài hữu tính nào cũng có năng lực tiến hóa và cải tạo, nâng cao địa vị mình và thay đổi hoàn cảnh chung quanh".
Trở về nguồn, ta có thể căn cứ ở điểm xuất phát tối sơ trong "lịch sử truyền bá đạo Phật", cách đây trên XXV thế kỷ, với thời gian dài dặc ấy (và hiện nay) đạo Phật vẫn giữ địa vị quan trọng trong công cuộc hướng dẫn con người trên đường sáng hóa. Số là : – Chính kiến trong việc tìm hiểu sự thật (chân lý) - Tôn trọng sự sống, quyền sống của hết thảy chúng sinh -Thể nhận giá trị tuyệt đối mà con người là chủ động lực của tất cả vấn đề - Hoạch định cho con người có một đường lối thẳng tiến, để tự giải thoát mọi phiền não, khổ đau, mê tối - Kiến thiết một xã hội mới căn cứ trên quan điểm giáo dục con người về ba phương diện Bi Trí Hùng, nhằm giúp con người có một ý niệm chính xác trong cuộc sống, biết nhận rõ về mình – một ý nghĩa chân thực người – và có một đức tin vững chắc có thể vượt để tạo hoàn cảnh, tìm một lối thoát, một chương trình cải tiến thích hợp với nhu cầu của quần chúng thời đại, tạo cho đời một cảnh giới tốt đẹp hơn.
Xưa kia, ta có quan niệm "đông phương là đông phương, tây phương là tây phương, giữa hai thái cực ấy không thề nào gặp nhau được". Một quan niệm sai lầm. Chân lý là chân lý. Ta không thể tách rời nó ở điểm nào; với một vài chi tiết vụn vặt, chẳng qua do "danh ngôn, tập khí" gây nên! Nếu ta mãi cố chấp như vậy, sự thật sẽ không đến với ta, và do đấy, con người chẳng bao giờ nhận chân được bản chung cùng của một nguồn sống vô biên diệu dụng... ở điểm này, đạo Phật rất khoan dung... nên nơi đây, tác giả cố tránh những ngộ nhận phiền tạp, mà chỉ diễn tả trung thực nguồn giáo lý cao đẹp của đạo Phật để chúng ta cùng suy nghĩ và thực hành. Cố nhiên trong đó sẽ khái quát những gì nói về "PHẬT HỌC TINH HOA, một tổng hợp đạo lý" đồng thời có tham chiếu tư tưởng các bậc thánh nhân, hiền triết đông tây. Có thể nói đây là Tập đại thành mở ra một chân trời mới cho những ai muốn đi trên đường tìm về ánh sáng giác ngộ, giải thoát. Nội dung cuốn sách sẽ đặc biệt hàm chứa tinh thần hóa giải ấy. Và, sự thật bao giờ cũng là sự thật, đấy là định hướng của một lối đi, một con đường sáng...
- Trích tựa -