Ấn phẩm "Qui cố hương" của tác giả Osaragi, sách do dịch giả Bùi Ngọc Lâm chuyển sang Việt Ngữ, được nhà xuất bản Đất Sống ấn hành năm 1973. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp nguyên bìa gáy, sách dày 430 trang, bản đặc biệt giấy trắng, dày.
Nước Nhật của Osaragi là nước Nhật hậu chiến, nước Nhật thất trận. Thay vì nhìn đất nước dưới nhãn quan của người trong cuộc tham luyến và tội tình, của người cố gắng níu giữ vàng son đã mất như Y. Kawabata, Osaragi đặt mình là kẻ bàng quan. Ông cho nhân vật của mình đào thoát ra hải ngoại rồi quay về nhìn cố hương. Để thấy rằng những ngôi đền trên đỉnh núi vẫn đáng ngưỡng vọng, những cội anh đào sân chùa vẫn đáng chiêm bái, những vườn đá vườn sỏi vườn rêu vẫn đẹp đẽ, nhưng là cái đẹp của nghèo. Bởi nghèo nên buộc phải làm đẹp theo cách ấy. Gian nhà hoang chỉ có một vò rượu chơ vơ, là vì nghèo. Minimalism hóa ra là con đẻ của sự hoang tàn, túng thiếu. Nó đẹp một cách đau xót. Tình phụ tử, tình yêu trong văn Osaragi cũng được cảm bằng mắt người-ngoài-cuộc. Tỉnh táo, điềm tĩnh. Cha rất sung sướng khi con đã đến, nhưng lẽ ra con không nên làm thế, con không nên gặp một hồn ma, con đã đủ can đảm để lớn lên, thì con có thừa can đảm để xa cha. Em là người đàn bà khác thường, nhưng em đã gây ra cho tôi bao nhiêu oan khiên, vậy xin phép em, mai tôi đi sớm, tôi rửa hận bằng cách từ chối tình yêu của em. Tuyệt vời! Khi được hỏi mình có những tật xấu gì, Đức Dalai Lama nói, tôi còn tham luyến, chẳng hạn tôi không rời được cái đồng hồ đeo tay này. Còn bám chấp vào một cái gì, là còn phiền não. Đọc Osaragi để học cách yêu thương mà không nhất thiết phải dính chặt vào đối tượng yêu thương