Ấn phẩm "Tâm lý quần chúng" của tác giả Gustave Le Bon, sách được dịch giả Nguyễn Văn Kháng phiên dịch, do nhà xuất bản Khai Trí ấn hành năm 1969. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp nguyên bìa gáy, sách dày 286 trang, ruột đầy đủ trang, lõi sách chắc chắn.
Le Bon tập trung nghiên cứu về tính cách và tinh thần của các dân tộc, những ưu thế và quá trình phát triển của các chủng tộc. Ông đặt lên hàng đầu khái niệm vô thức tập thể mà chính Freud đã thừa nhận vai trò của nó đối với các nghiên cứu về phân tâm học của mình. Le Bon cho rằng con người được xác định bởi những nhân tố sinh học và tâm lí học. Trong những quy luật lớn thường xuyên chỉ đạo sự tiến triển chung của mỗi nền văn minh, “những cái phổ biến nhất, khó quy giản nhất sinh ra từ cấu tạo tinh thần của những chủng tộc” (Quy luật tâm lí về sự tiến hoá của các dân tộc). Thực ra, mỗi dân tộc “đều có một cấu tạo tinh thần cố định như tính chất giải phẫu học của nó” (sách đã dẫn), được biểu hiện trong “tâm hồn” nó. Tất cả các thể chế, niềm tin, mọi nghệ thuật của một dân tộc, chỉ là “mạng lưới hữu hình trong tâm hồn vô hình của nó”. Chủng tộc cũng núp bóng trong mỗi cá nhân cấu thành một dân tộc; nó chi phối mọi hành động, mọi ham muốn, mọi xung năng của anh ta, nó tạo nên vô thức tập thể của anh ta.
Trong khi đó, thời đại của Le Bon đã chứng kiến bản chất di truyền của chủng tộc bị lung lay với sự lớn mạnh của đám đông và những bất ổn về chính trị, xã hội. Ông đã trải nghiệm qua Công xã Paris năm 1871 và nghiên cứu rất kỹ về cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 và 1848. Những trải nghiệm ấy mang lại kinh nghiệm thực tiễn cho việc hình thành tư tưởng về đám đông của ông. Tư tưởng ấy được thể hiện rõ rệt nhất trong tác phẩm Tâm lý quần chúng.