THÍCH THIỆN HOA

THÍCH THIỆN HOA

THÍCH THIỆN HOA

Thích Thiện Hoa húy là Trần Thiện Hoa, pháp danh là Thiện Hoa, hiệu là Hoàn Tuyên, sinh ngày 07 tháng 08 năm Mậu Ngọ (1918), tại làng Tân Quy (sau đổi tên là An Phú Tân), huyện Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (sau đổi tên là tỉnh Trà Vinh). Hòa Thượng là con út (thứ chín) trong gia đình tám anh chị em. 

Vì quy y Phật Giáo từ thuở ấu thơ, Hòa Thượng lấy pháp danh làm thế danh, cho nên mới có tên là Trần Thiện Hoa. Thân phụ là cụ ông Trần Văn Thế pháp danh Thiện Huệ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sáu pháp danh Diệu Tịnh. Toàn thể gia đình của Hòa Thượng đều quy y với Tổ Chí Thiền chùa Phi Lai ở núi Voi, tỉnh Châu Đốc. 

Sau khi thân phụ qua đời, Hòa Thượng theo thân mẫu đi chùa Phước Hậu, làng Đông Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ làm lễ kỳ siêu bảy tuần cho cha, sau đó Hòa Thượng quyết tâm xin mẹ cho ở lại chùa Phước Hậu xuất gia và được cụ bà đồng ý, năm ấy Ngài mới được 7 tuổi. Tiếp đến Hòa Thượng được gửi tới chùa Đông Phước, làng Đông Thành, huyện Cái Vồn, tỉnh Cần Thơ theo tu học với Tổ Khánh Anh và được Tổ đặt cho pháp hiệu là Hoàn Tuyên.

Sau khi cầu pháp với Tổ Khánh Anh, Hòa Thượng được Tổ dẫn theo cho tham học với các lớp Gia Giáo là những nơi mà Tổ được mời giảng dạy, khởi đầu từ lớp Gia Giáo chùa Đông Phước và sau cùng là lớp Gia Giáo chùa Long An. Về chùa Long An ở Đồng Đế, huyện Trà Ôn, Tổ Khánh Anh lãnh chùa này vào năm 1931 và khai giảng lớp Gia Giáo tại đây. Lúc ấy Hòa Thượng mới có 14 tuổi và nhập chúng tu học nơi lớp Gia Giáo nói trên được 3 năm.

Để đạt chí nguyện cao cả trên con đường hoằng pháp lợi sanh của một tu sĩ, vào năm 1935, nhân lớp Phật Học Đường Lưỡng Xuyên khai giảng vào đầu mùa hạ, Hòa Thượng được Tổ Khánh Anh cho theo tòng học nơi Phật Học Đường này, bấy giờ Hòa Thượng đã được 17 tuổi và ngay năm ấy Hòa Thượng thọ giới Sa Di tại Phật Học Đường nói trên. Sau khi mãn khóa lớp Sơ Đẳng 3 năm, với ý chí hiếu học và óc cầu tiến, Hòa Thượng cùng một số Tăng sinh khác được Ban Giám Đốc Phật Học Đường Lưỡng Xuyên chấp thuận giới thiệu ra Huế tiếp tục tu học theo mong muốn. Thế là năm 1938, Hòa Thượng được ra Huế tu học, lúc đó Ngài 20 tuổi.

Sau khi ra Huế, Hòa Thượng cùng 6 Hòa Thượng khác tòng học tại Phật Học Đường Tây Thiên 2 năm. Kế đến Hòa Thượng vào chùa Long Khánh, Quy Nhơn tham học Phật Pháp với Tổ Phước Huệ ở chùa Thập Tháp hết 1 năm tròn. Sau đó Hòa Thượng lại trở ra Huế lần nữa tham dự lớp học tại Phật Học Đường Báo Quốc ngót bốn năm. Đến năm 1945, Phật Học Đường Báo Quốc dời đến Tòng Lâm Kim Sơn và lớp học tại đây vừa mãn một năm thì chiến tranh tràn đến, cho nên Phật Học Đường Kim Sơn ngưng hoạt động. Hội An Nam Phật Học ủy thác cho quý Hòa Thượng Thiện Hoa và Trí Tịnh v.v... mang một số học Tăng vào Nam. Thế là suốt tám năm dài (1938–1945), Hòa Thượng cùng Hòa Thượng khác nhọc nhằn cần mẫn học tập nơi đất Thần Kinh. Sau đó quý Hòa Thượng trở về miền Nam mang một hoài bảo “Hoằng Pháp Lợi Sanh”, để rồi miền Nam bừng sáng Chánh Pháp do các Hòa Thượng cùng nhau mồi lên ngọn đuốc từ cố đô Huế.

Năm 1945 Hòa thượng hợp tác cùng Hòa thượng Trí Tịnh khai giảng lớp Phật học đường Phật Quang tại rạch Bang Chang, xã Thiện Mỹ, quận Trà Ôn. Số Tăng sinh đến dự học trên 30 vị. Năm 29 tuổi Hòa thượng thọ giới Tỳ kheo và Bồ-tát tại giới đàn Kim Huê Sa Đéc.

Đến năm 1946 và 1947 thấy tình cảnh chiến tranh của đất nước, thấy Tăng sĩ một phần đã cởi áo cà-sa mặc chiến bào, Hòa Thượng Trí Tịnh quyết định dời về Sài Gòn. Phật học đường Phật Quang đã khó khăn lại gặp khó khăn hơn. Một mình Hòa Thượng vừa lo dạy học, vừa lo đối phó với hoàn cảnh.

Đối nội, Hòa Thượng vẫn kiên trì giữ vững lớp học. Đến năm 1950, học chúng chính thức của lớp này không quá bốn người. Thế nhưng Hòa Thượng vẫn dạy đều như thuở trước.

Đối ngoại, xã hội hiện thời đòi hỏi người dân phải làm công tác thật nhiều. Để bảo bọc cho Tăng chúng yên tâm tu học, Hòa thượng mở những lớp dạy trẻ con do Tăng sinh đảm trách. Đồng thời Hòa Thượng mở trạm y tế, để Tăng Ni thay nhau thuốc men giúp đỡ đồng bào. Mỗi ngày Tăng chúng làm công tác dạy học, chích thuốc trọn buổi sáng, buổi chiều tất cả đều vào lớp học kinh điển.

Hòa thượng lại mở những lớp học "Bình dân" dạy ban đêm để "chống nạn mù chữ". Lớp học này chỉ trong vòng 15 hôm, là học viên đọc và viết được. Sự học có kết quả nhanh chóng ấy là do Hòa thượng có sáng kiến soạn tập sách "Vần Chữ O".

Đích thân Hòa thượng chích thuốc, dạy lớp "Bình dân". Thế mà Hòa thượng vẫn thấy chưa đủ, Ngài lại xoay qua học chẩn mạch cho toa. Hòa thượng bảo học chúng: "Chúng ta cần đem Tứ Nhiếp Pháp và Ngũ Minh để giáo hóa chúng sinh, nhất là trong hoàn cảnh này".

Đầu mùa Xuân năm 1953, Hòa thượng cùng 8 đệ tử mang hành lý đến Phật học đường Nam Việt (trong số đó có thầy Thanh Từ) nhằm ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch. Sau cuộc họp của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, quý Hòa thượng đã đồng tình cử Hòa thượng giữ chức vụ Trưởng Ban giáo dục Giáo Hội Tăng Già Nam Việt kiêm Đốc giáo PHĐNV và chức Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.

Đến năm 1957 Hòa thượng lại chủ xướng mở những khóa huấn luyện trụ trì lấy tên là Như Lai Sứ Giả. Hòa thượng dạy lớp Trung đẳng Ni chúng mở tại chùa Từ Nghiêm, sau dời về Phật học Ni trường Dược Sư. Tăng giới đặt tại chùa Pháp Hội, Ni giới đặt tại chùa Dược Sư. Mỗi khóa ba tháng trong mùa hạ hoặc mùa đông.

Hòa Thượng đã khuyến khích mở trường Phật học ở các tỉnh như trường Phật học tại chùa Bình An Long Xuyên (1956), trường Phước Hòa ở Vĩnh Bình, trường Giác Sanh ở Phú Thọ, trường Biên Hòa và Phật Ân ở Mỹ Tho v.v…

Thời pháp nạn dưới trào Ngô 1963, Hòa Thượng đã tích cực tranh đấu cho Đạo pháp, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo. Cuộc tranh đấu được thành công, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời. Nhiệm kỳ thứ nhất của Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng nhận chức Đệ nhất Phó Viện Trưởng, kế đến nhận chức trụ trì Việt Nam Quốc Tự.

Sau pháp nạn 1966, Hòa Thượng đảm nhận chức vụ Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN. Trong nhiệm kỳ này, con thuyền Phật giáo Việt Nam gặp nhiều sóng gió. Thế nhưng Hòa Thượng vẫn nắm vững tay lái hướng thẳng theo con đường Bảo vệ đạo pháp và cứu nước cứu dân, lấy sự tồn tại của đạo pháp, trong sự tồn tại của dân tộc và nhân loại làm ngọn hải đăng.

Đến nhiệm kỳ III (1968) của Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng cũng được toàn thể đại biểu trong nước bỏ thăm lưu nhiệm. Thời gian này bệnh tình của Hòa thượng càng ngày càng tăng, mà trách nhiệm của Giáo hội lại càng nặng nề. Với thân nhiều bệnh hoạn, lại gánh vác trọng trách quá nặng, đa số môn đồ trông thấy đều sốt ruột, đồng cầu xin Hòa thượng từ chức, về chùa Phước Hậu tịnh dưỡng nhưng Hoà thượng không đồng ý

Phật Học Viện Huệ Nghiêm được thành hình và tồn tại đến nay, cũng nhờ ơn Hòa thượng đôn đốc và ủng hộ. Cô Nhi Viện Diệu Quang được thành lập cũng bởi Hòa thượng thúc đẩy, vì bản ý của Hòa thượng muốn cho Ni chúng sau này vừa tu học vừa làm công tác xã hội. Hòa Thượng thấy Phật Học Viện Huệ Nghiêm phát triển mạnh, hy vọng ở đây mai này sẽ có nhiều vị Tăng ra giảng dạy Phật pháp. Cho nên Hòa Thượng cố tình tạo thành Cô Nhi Viện Diệu Quang để làm cơ sở cho Ni chúng trẻ tuổi có đủ hai điều kiện học đạo và công tác xã hội. 

Đến cả Ban Từ Thiện Ấn Quang, làm được những công tác từ thiện hay Phật sự nào đều có sự khuyến khích, nhắc nhở của Hòa thượng cả. Hoặc xây cất Niệm Phật Đường trong khám Chí Hòa, cất chùa trong Dưỡng Trí Viện Biên Hòa v.v... cũng do Hòa Thượng đôn đốc.

Tóm lại, từ năm 1964 đến năm 1972, mọi Phật sự đáng kể ở miền Nam đều được Hòa thượng trợ giúp, hoặc trực tiếp hay gián tiếp.

Hòa thượng khởi bệnh từ tối đêm 17 tháng 11 năm Canh Tý, sau ngày lễ vía Đức Phật A Di Đà, Ngài được đưa vào bệnh viện Đồn Đất để điều trị. Bác sĩ cho biết bệnh của Hòa thượng cần phải được giải phẫu.

Sau khi giải phẫu, bệnh của Hòa thượng càng ngày càng nhẹ, ai cũng tin rằng không bao lâu Hòa thượng sẽ bình phục trở về chùa. 

Một hôm, Hòa thượng Thiện Hòa vào thăm Hòa thượng. Tuy cảm thấy bệnh tình đã nhẹ rồi, mà Hòa thượng vẫn dặn dò mọi việc, cho đến kinh sách hiện còn, đều giao cả cho Hòa Thượng Thiện Hòa. Thấy điều lạ, Hòa Thượng nói: "Nằm ít hôm nữa bệnh lành rồi về, nói chi chuyện ấy".

Tuy nhiên, ngày 17 tháng 12 âm lịch, Hòa Thượng trở bệnh. Đến đêm 19 tháng 12 âm lịch, Hòa thượng thấy mệt, biết mình không qua khỏi nên gọi các môn đệ đến bảo: "Các con niệm Phật cho Thầy vãng sanh, Thầy mệt quá rồi". Từ giờ phút ấy tiếng niệm Phật đều đều vang lên trong gian phòng hồi sinh. Từ đó Hòa thượng lặng lẽ dần dần đến 06h05, sau một hơi thở dài rồi im lìm theo Phật!

Hòa thượng đã an lành viên tịch vào sáng ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Tý nhằm ngày 23 tháng giêng năm 1973, thọ 55 tuổi và được 26 tuổi hạ.

 

  • Các tác phẩm:
  • Đại Cương Kinh Lăng Nghiêm
  • Kinh Viên Giác
  • Kinh Kim Cang
  • Tâm Kinh
  • Luận Đại Thừa Khởi Tín
  • Luận Nhơn Minh
  • Phật Học Phổ Thông 12 khóa
  • Bản Đồ Tu Phật 10 tập
  • Duy Thức Học 6 quyển
  • Phật Học Giáo Khoa các trường Trung học Bồ Đề từ đệ Thất đến đệ Nhất
  • Giáo Lý Dạy Gia Đình Phật tử
  • Nghi Thức Tụng Niệm
  • Tạp Luận
  • Sự Tích

BẢN ĐỒ TU PHẬT

Bộ sách “Bảo đồ tu phật” của thầy Thích Thiện Hoa được nhà xuất bản Hương Đạo ấn hành năm 1963. Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách Mùa Thu có tình trạng rất tốt, đã được tập hợp đóng bìa xưa, bìa gốc vẫn còn nguyên. Sách trọn bộ 10 tập, ruột đủ trang và lõi sách chắc chắn.  Với “Bản đồ tu tập” tác giả đã nhọc công nghiên cứu, trình bày một cách dễ hiểu để dành đến những độc giả còn bỡ ngỡ trên bước đường tu hành một “bản đồ” chỉ đường tu về cõi Phật.  Bộ sách đề cập đến...

PHẬT HỌC PHỔ THÔNG

Bộ sách "Phật học phổ thông" do thầy Thích Thiện Hoa biên soạn, sách được nhà xuất bản Hương Đạo ấn hành lần thứ hai năm 1962. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng đẹp, sách đóng bìa xưa, còn nguyên bìa gốc. Bộ sách gồm 12 khóa đóng chung thành 3 cuốn, ruột đầy đủ, chữ in rõ ràng. Đạo Phật truyền vào Việt Nam ta đã trên 15 thế kỷ cho nên phần đông dân chúng nước ta là tín đồ đạo Phật. Dân chúng thường nói “Đạo Phật là đạo của ông bà”, hay “Nhà nào có đốt...
0972 873 962