Ấn phẩm “Tìm hiểu hội hoạ” của tác giả Đoàn Thêm do nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư ấn hành lần thứ nhất năm 1961. Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách Mùa Thu có tình trạng rất tốt, bìa gốc, lõi sách rất đẹp, các tranh được in trong cuốn sách này vẫn giữ được màu sắc vốn có của nó. Sách có nhiều minh hoạ màu.
Đoàn Thêm vốn là một người yêu hội hoạ và ưa chuộng các đường lối khảo cứu, vì thế sau nhiều lần Nam Chi Tùng Thư đề nghị ông biên soạn: một việc có thể coi như kết quả dĩ nhiên của công phu tìm tòi xem xét mà đã bao lâu ông mất công theo đuổi để trau dồi kiến thức và hưởng những lạc thú tinh thần...ông đã đồng ý biên soạn cuốn sách này.
Ông đã thâu nhập lại các tài liệu cần thiết, và viết một loạt bài đăng dần trên tạp chí Bách Khoa năm 1961. Một vấn đề được đặt ra lúc này là, làm thế nào cho nhiều người các giới chú ý đến hội hoạ và có những thường thức căn bản để dần dần tự mình tìm hiểu lấy mà không cần học vẽ. Cho nên Đoàn Thêm, sau khi đối chiếu với nhiều tác giả, ông đã chỉ chọn lọc những điều tối thiểu cần thiết, hoặc những điểm chính yếu về kỹ thuật, lịch sử, hoạ phái, và quan điểm, lý tưởng hay ý kiến nào đáng ghi nhận của các nhà danh hoạ.
Một khó khăn thứ hai là tìm các tiếng chuyên môn về hội hoạ. Soạn giả đã phải thăm hỏi một số hoạ sĩ để thoả hiệp về những danh từ phải dịch của ngoại quốc. Khi muốn đề phòng mọi sự hiểu sai vì thiếu chữ, ông đành trích hẳn ra nguyên văn nhiều câu, nhiều đoạn ở sách ngoại ngữ.
Ở một cuốn biên khảo, phần tài liệu khách quan là chính yếu. Song ở đây, Đoàn Thêm tuy rất thận trọng, cũng nhiều khi chia sẻ với độc giả những khổ tâm của kẻ thăm dò nghệ thuật, hoặc những nhận xét về hoạ phái này hay quan niệm kia, với tất cả sự chân thành của người có thái độ vô tư và muốn mở rộng tâm hồn đón mọi vẻ đẹp của các tài hoa trong nhân loại.
Đối với độc giả, có lẽ ta không nên coi tập này như một quyển nghiên cứu hay phê bình hội hoạ. Có chăng, đây chính là những câu chuyện, hoặc những nhận xét của người muốn hiểu biết trong một hoàn cảnh khó khăn, rồi ghi lại những điều đã nghiệm thấy để kiểm điểm xem kiến thức của mình ở lĩnh vực nghệ thuật đi được tới đâu, và lạc vào vũ trụ hình sắc, thì ưa ghét buồn vui như thế nào: bởi tìm hiểu người ta cũng là một dịp tìm hiểu chính mình, và thú nhất là nhiều lúc thấy mình tỉnh ngộ.