Ấn phẩm "Tín ngưỡng Việt Nam" do tác giả Toan Ánh biên soạn, sách được nhà xuất bản Hoa Đăng ấn hành năm 1969. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng gồm 2 cuốn. Cuốn Thượng dày 450 trang, cuốn hạ dày 440 trang, sách được đóng bìa thủ công bằng da tự nhiên, mạ vàng trên gáy sách thủ công bằng vàng 24k, bìa và tờ gạc màu được làm thủ công, ruột đủ trang.
Trong buổi xã hội đương trải một "cơn sốt vỡ da", con người Việt Nam cựa quậy vươn lên để tham dự vào cuộc hòa ca ồ ạt của thế giới, cuốn sách khảo cứu này ra đời, như có vẻ thách thức trước cao trào "cũngsống mới" của đời nguyên tử.
Chúng tôi không nghĩ thế.
Chúng tôi cho rằng người ta sinh ra không phải chỉ là một "con vật người" sống ở đâu cũng chỉ có những khát vọng như nhau, muốn hành động gì đều cứ tự nơi mình,dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Trái lại, nếu chúng ta không còn trong thời kỳ xuất mẫu hoài, tiện thụ hữu quân thân (lọt lòng ra là đã có bổn phận đối với cha mẹ vua chúa) thời kỳ mà chúng ta sống đây có khác xưa rồi thật: vua chúa không còn nữa, và bổn phận đối với cha mẹ cũng dần lỏng lẻo, nhưng ta đâu đã thoát ly hẳn được ảnh hưởng của hoàn cảnh, của sự chung sống trong một xã hội vẫn còn lấy nông nghiệp làm căn nguyên, lấy gia đình làm nền tảng.
Từ lúc tập tễnh biết đi, bập bẹ biết nói, đến khi biết nghe chuyện cổ tích bên bếp lửa ấm cúng, biết suy tư học hỏi thầy bạn nơi học đường, biết ngâm nga những vần thơ phú có dư âm dội vào tâm khảm, biết tưởng nhớ đến những những người thân đã khuất, biết não lòng trước cảnh đau thương của đất nước, biết phẫn nộ trước nỗi bất công giày vò bao nhiêu thế hệ, và trong những lúc nhàn hạ, biết thưởng thức hương vị mộc mạc của quê hương,v.v...bấy nhiêu cái biết đã tạo thành một con người riêng biệt, quy tụ vào một cá tính dân tộc riêng biệt, không giống hẳn dân tộc nào khác. Những cái biết ấy không thể chỉ nghe phong thanh mà lĩnh hội được, phải đã từng sống qua mới nhận thức được trọn vẹn mà thôi.