Ấn phẩm "Triết học Kant" do Linh mục Trần Thái Đỉnh biên soạn, sách dày 420 trang và được nhà xuất bản Văn Mới tái bản năm 1974. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất đẹp, sách dày dặn, bìa, gáy nguyên vẹn, trải qua gần 50 năm với thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam sách vẫn được bảo quản khá tốt, lõi sách chắn chắn.
Triết học Kant vẫn ảnh hưởng một cách sâu sắc đến các trào lưu tư tưởng hiện đại. Có thể nói không quá đáng rằng không hiểu Kant thì không thể hiểu thấu đáo Hegel (1770-1831), Marx (1818-1883), Heidegger (1889-1976) và Claude Lévi-Strauss (1908-2009). Kant đã làm con người tỉnh giấc mơ tiên, biết mình không phải là thần thánh, mà là người; biết mình là hữu thể hữu hạn chứ không phải là hiện thể tuyệt đối. Trước Kant, chúng ta đã có 2 lần bắt đầu trong lịch sử triết học (lần thứ nhất với Socrate với mục tiêu “Anh hãy hiểu biết chính bản thân mình”, đi qua các đời Platon, Aristote rồi trải qua mười mấy thế kỷ trong đêm trường Trung cổ, triết học đã ngủ giấc ngủ giáo điều trong thân phận nữ tỳ của thần học; lần thứ hai với Descartes đưa triết học vào hẻm cụt của thuyết Duy tâm – thuyết đã gán cho con người những khả năng mà con người không có được, sau đó là Locke và Hume, triết học thoát khỏi giấc ngủ giáo điều nhưng lại đi vào một ngõ cụt khác: đó là thuyết Duy cảm, Duy nghiệm – đối lập với thuyết Duy tâm) và phải đến lần thứ 3, với Kant, triết học mới thật sự đi vào đúng hướng của nó, “Vậy phải bắt đầu lại từ đầu. Phải bắt đầu lại với Kant.” – Jacques Derrida (1930-2004).
Theo Kant, một nền triết học nghiêm chỉnh là phải hướng về những vấn đề cơ bản của con người. Kant đặt vấn đề với chính khả năng tư tưởng của con người, cụ thể ông tự đặt cho triết học phê bình của ông 4 câu hỏi: 1. Tôi có thể biết gì? 2. Tôi phải làm gì? 3. Tôi được phép hy vọng gì? và 4. Con người là gì? Kant dành quyển Phê phán Lý tính thuần túy để trả lời câu hỏi thứ nhất; quyển Phê phán Lý tính thực hành (Đạo đức học) – then chốt và chính yếu trong 3 cuốn Phê phán làm nên tòa nhà tư tưởng triết học Kant – để trả lời câu hỏi thứ hai; và, trong các tác phẩm tương đối ngắn về triết học lịch sử và triết học tôn giáo để trả lời câu hỏi thứ ba. Quyển Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và Mục đích luận) là “cầu nối” quan trọng giữa cả ba câu hỏi với tầm quan trọng đặc biệt về hệ thống lẫn về nội dung. Câu hỏi thứ 4 là tất cả triết học của Kant: triết học về con người.
Triết gia J. Lacroix (1900-1986) đã viết: “Kant đã thay thế triết học tri thức của Hy Lạp bằng triết học bổn phận của ông.” Triết học Kant là triết tìm hiểu ý nghĩa và bổn phận làm người ở ta, để tìm ra ý nghĩa thực sự này của triết học Kant chúng ta phải nhìn chung tất cả hệ thống Kant với 3 cuốn Phê phán của nó. Với Phê phán Lý tính thuần túy Kant vạch giới hạn cho lý trí của con người, với mục đích chứng tỏ cho con người biết không thể dùng tri thức khoa học là sản phẩm của kinh nghiệm để đạt tới những đối tượng của siêu hình học. Với Phê phán Lý tính thực hành vạch ra rằng: nếu con người là vật có lý trí, thì chỉ trong lĩnh vực của lý trí con người mới thực sự sinh hoạt theo đúng cương vị của mình, còn như trong lĩnh vực thực nghiệm thì con người vẫn bị chi phối bởi những hiện tượng như những động vật khác. Và với cuốn thứ 3, Phê phán năng lực phán đoán, Kant bàn tới vài hình thức văn hóa có khả năng giải thoát con người và dần dần giúp con người vươn lên khỏi những ràng buộc của giác quan hòng tiến tới những thực tại siêu hình.
Tuy chưa thể đi sâu vào phần triết học pháp quyền, triết học lịch sử, triết học tôn giáo, nhưng với việc trình bày cô đọng nhưng không kém cặn kẽ về ba quyển Phê phán chủ yếu, Gs. Trần Thái Đỉnh đã cho ta một cái nhìn khá bao quát về triết học Kant – thứ triết con người bị cắt xé giữa tinh thần và thể xác, giữa lý trí và cảm giác. Và mục đích chính của Kant không phải là tri thức, mục đích của Kant là quy về vấn đề con người. Tất cả chỉ là vấn đề con người mà thôi.