Cuốn “ Văn học Việt Nam thời Lý” là quyển III trong bộ Lịch sử Văn học Việt Nam của tác giả Lê Văn Siêu. Nhà xuất bản Hướng Dương ấn hành năm 1957. Ấn bản đang được lưu giữ tại Quán sách Mùa Thu hiện nay còn rất đẹp, mới, sách chưa rọc, bản này có chữ ký của chủ sở hữu trước, sách dày 142 trang, lõi sách chắc chắn.
Theo Lê Văn Siêu thì trong dòng dài lịch sử văn học Việt Nam ta, chỉ có thời Lý tinh thần đạo lý mới thấm nhuần tư tưởng văn chương và nghệ thuật để tạo thành một tính chất đặc biệt của một thời mà muôn đời về sau khi nhắc đến người ta còn phải thấy tiếc nhớ. Văn chương thời Lý là văn chương của tâm linh. Văn chương tâm linh đã kết tinh trong văn thơ của những đạo sĩ. Văn chương tâm linh có rung động nhưng những rung động đó thầm kín, sâu thẳm, chỉ những người có một trình độ siêu hình học rất cao hay một căn cốt siêu hình rất tốt mới thông cảm nổi. Cho nên, khi nhìn nhận về văn chương thời Lý, người ta thường chỉ tự hạn sự đánh giá về văn chương Lý một cách hết thức sơ giản là “trọng đạo lý hơn từ chương”.
Xét về quan niệm văn chương thời Lý, được chia thành hai phần: vũ trụ và nhân sinh. Hai phần đó tương hệ và chỉ là hai khía cạnh của một động tác tinh thần. Nhờ quan niệm vũ trụ và nhân sinh ấy, văn học thời Lý tuy chỉ sơ sài còn một ít thi văn, mà ta đã thấy ra vô cùng phong phú ở phần phẩm. Vì vậy, Lê Văn Siêu mới biên soạn sách này với mong muốn sử dụng lối phân tích hiện đại, mong nói ra được để độc giả hiểu một phần đẹp đẽ của văn chương thời Lý.