VĂN PHẠM VIỆT - ẤN BẢN CÓ BÚT TÍCH CỦA SOẠN GIẢ

Tình trạng: Còn 1 ấn phẩm
Mã sản phẩm: VPVNQHKT
Tác giả: Nguyễn Quý Hùng
Nhà xuất bản: Khai Trí
Năm xuất bản: 1965
Số trang: 1200

Giới thiệu sách

Ấn phẩm "Văn phạm Việt" do tác giả Nguyễn Quý Hùng biên soạn, sách được nhà xuất bản Khai Trí ấn hành lần thứ nhất năm 1965. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng tốt, sách nguyên bìa gáy, dày 1200 trang, sách do nhà xuất bản Khai Trí đóng bìa cứng, sách có thủ bút và chữ ký của tác giả, lõi sách chắc chắn.

Ông bạn tôi, giáo sư Nguyễn Quý Hùng vừa có nhã ý cho tôi xem bản thảo một bộ văn phạm Việt gồm có năm phần chính: 1. Tự ngữ học, 2. Phân tích học, 3. Cú pháp học, 4. Bút pháp học, 5. Thi pháp học, và riêng phần Tự ngữ học, trừ bài khái niệm ra thì chia làm 3 chương:

Chương 1: Việt ngữ (ba bài)

Chương 2: Tiếng nói (ba bài)

Chương 3: Chữ viết (ba bài)

Tôi không chuyên về văn phạm và ngữ học nên không dám bàn ngang, nói dọc nhưng tôi tự nghĩ muốn xây dựng nền quốc học, hai viên đá đầu tiên ắt phải là hai cuốn ngữ pháp văn phạm Việt và từ điển Việt Nam.

Công việc hệ trọng này đã có những Vaugelas và những Furetiere họp nhau thành lập một hội hàn lâm để ráng sức làm. Bên cạnh những cố gắng chung, còn tin rằng có nhiều học giả đã và đang âm thầm làm việc lẻ loi, để rồi đây sẽ cống hiến cho nước nhà những bộ tự điển có giá trị như bộ từ điển Pháp Littre hay bộ Ngữ học làm thước ngọc khuôn vàng như bộ "tư tưởng và ngôn ngữ" của F. Brunot , người Pháp.

Nhưng trong khi chờ đợi, các bạn đồng nghiệp ở bậc tiểu học và trung học vẫn hàng ngày dạy ngữ pháp, chánh tả, văn phạm... và vẫn phải tạm dùng cuốn Văn phạm của cụ Trần Trọng Kim xuất bản tự hai chục năm về trước! Dùng tạm và trông đợi chưa biết đến bao giờ.

Vậy nên khi giáo sư Nguyễn Quí Hùng trao cho bản thảo quyển đầu bộ Văn phạm Việt, tôi đã đọc với tất cả tấm lòng sốt sắng của kẻ có chút chờ mong và nay tình cờ thỏa mãn.

Tác giả đã đem hết kinh nghiệm thâu lượm được trong bao nhiêu năm giảng dạy, để trình bày những điều chính yếu cần thiết, thành mười bài, xếp đặt có trật tự, phương pháp, với những đoạn ngắn, gọn, sáng, đủ mang số Ả - Rập, khiến học trò theo thày có cảm giác đi những bước chắc chắn, vững vàng.

Ai đã học Pháp văn sẽ dễ dàng nhận ra ngay đằng sau tác giả, hình bóng một sinh viên địa học Sư - Phạm năm nào (1926 - 1929) đã bao phen lần giở từng trang cuốn ngữ pháp "giản ước và đầy đủ" của Crouzet đã dùi mài làm các bài thực tập, đi liền cùng cuốn sách mong manh nhưng súc tích ấy.

Nói vậy nghĩa cuốn sách của tác giả có một giá trị sư phạm sẽ làm vừa ý các bạn đồng nghiệp. Nếu tác giả soạn tiếp một cuốn có các bài thực tập với phần giải đáp, thì chắc chắn sẽ được "nhà giáo" hoan nghênh nhiệt liệt. Còn anh em học sinh sẽ sung sướng được một cuốn sách có giá trị để đấu giường.

Tôi đã thưa từ trước, không dám "nói dọc bàn ngang" vậy chỉ đứng về phương diện sư phạm mà giới thiệu một cuốn sách hữu ích và xuất bản hợp thời.

Còn câu truyện tác giả có trở thành một E. Littre hay F. Brunot Việt Nam hay không thì tôi chắc tác giả sẽ là người đầu tiên tiếp tôi bằng một nụ cười, nếu tôi lỡ miệng vô tình gán cho tác giả một ý nghĩa mà tuyệt nhiên tác giả chưa bao giờ có.

Sài Gòn, ngày 10.4.1963

        Nghiêm Toản

0972 873 962