VIỆT ĐIỆN U LINH

Tình trạng: Sách đã đặt hết
Mã sản phẩm: VDULLHM
Tác giả: Lý Tế Xuyên
Dịch giả: Lê Hữu Mục
Nhà xuất bản: Khai Trí
Năm xuất bản: 1961
Số trang: 172

Giới thiệu sách

Ấn phẩm "Việt Điện U Linh Tập" của tác giả Lý Tế Xuyên, do dịch giả Lê Hữu Mục phiên dịch, sách được nhà xuất bản Khai Trí ấn hành năm 1961. Ấn bản đang được lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất đẹp, còn bìa gáy, ruột đẹp, mực in rõ ràng, gồm 172 trang viết bằng tiếng Việt và 56 trang viết bằng tiếng Hán. 

"Tôi đã được hân hạnh bái đọc bản dịch bộ Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên do bạn đồng nghiệp của tôi là giáo sư Lê Hữu Mục phiên dịch.

Đúng như lời "Dẫn Nhập" của dịch giả, về niên đại soạn tập cuốn này và sự tích của tác giả, hiện giờ vẫn còn nhiều nơi chưa được minh bạch, nhưng có nhiều chứng cớ cho hay rằng bộ này là một tác phẩm tiêu biểu cho phong trào xã hội vào thời kỳ thịnh vượng của nhà Trần. 

Chúng ta nhận thấy trải qua những chiến công anh dũng chống cự với mấy cuộc xâm lăng của nhà Nguyên, trên các phương diện xã hội, Việt Nam đã phát sinh nhiều hiện tượng đầy tinh thần sáng tạo và sinh động. Chẳng hạn, sự phổ biến của "Chữ Nôm" và "Quốc Ngữ Thi" trên mặt văn học, sự sáng lập phái Trúc Lâm trên mặt Phật giáo, chính sách khéo léo và tích cực đối với Trung Quốc và Chiêm Thành trên mặt ngoại giao, sự thịnh hành ngoại thương tại Vân Đồn về mặt kinh tế v.v... đều chứng thực người Việt đã bắt đầu phát huy những thiên phần cố hữu để sáng tạo một nền văn hóa đầy tự tín và ý thức quốc gia. Những đặc sắc tinh thần trong xã hội thời đại đó là hoạt bát, tích cực, linh hoạt và sáng sủa. Tác giả Lý Tế Xuyên sinh trưởng trong hoàn cảnh ấy, đã từng thể nghiệm phong trào thời đại, tự nhiên tác phẩm của ông cũng nhuộm một tính cách khác thường.

Hai mươi bảy thiên thần tích mà tác giả đã dùng ngọn bút tài hoa tường thuật trong bộ sách đều là sự tích vĩ đại của những nhân vật đã sinh sống tại đất Việt, và đều biểu lộ một cách xán lạn những "hạo khí anh liệt", đại diện cho từng thời đại trên cổ sử Việt nam. Trong những nhân vật đó, có vương hầu, hậu phi, công thần, liệt nữ, thích gia, đạo sĩ và bình dân, thậm chí gồm cả người Chàm; tất cả đều có những hành động xuất chúng và oanh liệt, với một tâm hồn thanh cao cứu khổ phò nguy; sau khi qua đời lại có những thần tích khác dị, đáng để người đời sau sùng bái và kính mến. Nói một cách khác, họ đều có góp sức vào công trình xây dựng tinh thần dân tộc tại Việt Nam. Đồng thời cũng có thể nói đó là một kho tàng tài liệu về Văn học sử và Thổ tục học.

Hơn nữa, bộ này gồm có nhiều tài liệu riêng biệt của Việt Nam, vì vậy, các nhà sử học, như các ông E. Gaspardone, H. Maspéro, Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn và M. Durand, đều chú ý đến bộ này, hoặc đứng theo quan điểm thư chí học, khảo về niên đại và quá trình biên tập bộ này; hoặc đứng lập trường sử học thuần túy, đã dẫn một vài phần làm sử liệu để khảo chứng cổ sử Việt Nam. Tuy vậy, nhiều đoạn trong bộ này vẫn để nguyên, còn chờ chúng ta khai thác và tìm tòi chân lý trong đó. Nhất là việc kiểm thảo và đối chiếu những tài liệu trong bộ này với các bộ sử bên Trung Quốc sẽ là một công tác rất trọng yếu trong cuộc mở mang cổ sử và trung cổ sử Việt Nam.

Ông Lê Hữu Mục đã không ngại mọi sự khó khăn, đem nội dung bộ này dịch ra Việt văn một cách trung thực, và cung cấp cho học giới Việt Nam một bản dịch rất kỹ càng và xác thực của Việt Điện U Linh Tập. Tôi xin trân trọng chúc mừng giáo sư Lê đã thuận lợi hoàn thành công việc phiên dịch và thành thực mong rằng bản dịch này sẽ là một viên gạch vững chãi cho các văn sử gia tân tiến trong công cuộc xây dựng văn học và sử học mới tại Việt Nam".

- Huế ngày 8-12-59

  Mạnh Nghị TRẦN KINH HÒA

  Giáo Sư Sử Học Viện Đại Học Huế

0972 873 962