Ấn phẩm “Việt nam cổ văn học sử” của tác giả Nguyễn Đổng Chi, sách được Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa tái bản năm 1970. Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách Mùa Thu có tình trạng rất tốt, sách còn nguyên bìa gáy, sách dày 440 trang, ruột đầy đủ, lõi sách chắc chắn.
Một dân tộc hễ có văn hoá thì phải có văn học. Nước Việt Nam ta theo các các sách ngoại quốc, là một nước văn hiến ở Đông Phương đã từ lâu đời. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê cho đến Bản triều, nền văn học Việt Nam lấy chữ Hán làm gốc.
Năm 1918, ông G.Cordier người Pháp viết quyển Littérature Annamite, đem những bài Hán văn đã dịch ra Việt âm rồi trộn lẫn với Việt văn, miễn là của các cụ Việt Nam thì thôi, xếp những sách các cụ ta viết bằng Hán văn vào thời kỳ thứ hai trong Việt Nam văn học sử.
Nói theo sách ông G.Cordier nhiều nhà làm sách Văn học sử Việt Nam cũng theo cái thành kiến sai lầm ấy, cũng chọn các thơ bằng chữ Hán của các cụ ta ta đem dịch ra Việt âm rồi gọi ngay là thơ văn đời Lý, thơ văn đời Trần, đặt dưới nhan đề là Việt Nam văn học sử. Có lẽ văn chương ta gốc ở văn chương tàu cũng như văn hoá ta mượn ở văn hoá Tàu nên các học giả không để ý đến, cho thế là tạm ổn chăng? Nay ta thử xét, ngay như tiếng Pháp cũng gốc ở chữ Latinh, vi phỏng bây giờ có một người Pháp viết một quyển sách toàn bằng chữ La tinh thì quyển sách ấy có được gọi là Pháp văn không? Hay nói cho rõ nữa, một người Tàu viết một quyển thơ Ăng-lê thì quyển thơ ấy có thể gọi là thơ Tàu được không? Thực ra là không phải.
Có lẽ vì các lý do ấy mà ông Nguyễn Đổng Chi đã làm sách Việt Nam Cổ Văn Học Sử. Sách này chép riêng về lịch sử văn chương cổ đại Việt Nam, từ đời thuộc Hán đến cuối đời Nhuận Hồ. Cái tên sách Việt Nam cổ học văn sử đủ tỏ cho mọi người biết ông Nguyễn Đổng Chi là người đạt kiến, trông rõ hơn những người trước ông. Cuốn sách này được ông làm theo phương pháp mới, rất công phu, tra cứu kỹ càng, sưu tập cẩn thận. Mỗi điển cố có giải thích phân minh: mỗi bài thơ có nêu rõ xuất xứ và dịch ra Việt văn. Không những thế, đoạn nào hồ nghi, chỗ nào mập mờ cũng đều nói rõ.