Ấn phẩm “Vua Hàm Nghi” của tác giả Phan Trần Chúc do nhà sách Chính Ký ấn hành lần thứ hai năm 1952. Ấn bản đang được lưu giữ ở Quán sách Mùa Thu có tình trạng tốt, bìa gốc, lõi sách đẹp.
“Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc là cuốn sách tự sự về cuộc đời của vua Hàm Nghi từ trước khi lên ngôi đến khi phải chịu lưu đày ở châu Phi. Ở đây, ta sẽ hiểu về con người, những quyết định, bối cảnh lịch sử nước ta hồi ấy, thêm hiểu về một trang lịch sử bi thương của dân tộc.
Vua Hàm Nghi sinh vào tháng 03 năm 1871, lên ngôi năm 14 tuổi, đến khi bị bắt mới 18 tuổi. “Nỗi đau đối với nhà vua có lẽ đã bắt đầu bấu xé người từ đêm 23 tháng Năm, nghĩa là khi rời bỏ kinh thành. Từ đó trở đi, ăn ở góc rừng, ẩn trong hang núi, khi chạy súng đạn, khi tránh thú dữ, có khi bị thần sốt rét hành hạ, luôn mấy hôm không còn biết sống là gì. Ba tháng lênh đênh trên mặt bể, bốn năm lẩn lút trong rừng, núi, nước và nỗi đau đớn của kẻ thua cuộc đã luyện cho đời vua Hàm Nghi thành một thiên kiệt tác về đau khổ…
Tuy ở một chỗ chung quanh toàn người lạ, nhưng vua Hàm Nghi vẫn dùng nguyên lối y phục của nước mình: vẫn văn lượt, vẫn áo dài…
Ngồi trên bao lơn Địa Trung Hải vua Hàm Nghi đã nhìn thấy sự thất bại của Maroc, cuộc chinh phục Syrie và nhất là cuộc Âu chiến vừa qua. Những cuộc đảo lộn ấy giúp cho nhà vua hiểu rõ cuộc hưng vong của các quốc gia. Bị cầm, nhà vua đứng hẳn ra ngoài cuộc đấu tranh của loài người. Nhưng với vẻ mặt thâm trầm của ông già ấy, không hẳn đã không có một ẩn ý: hy vọng.
Vì chỉ có hy vọng mới đủ sức mạnh cho sự sống.”