Đào Trinh Nhất (1900-1951), tự Quán Chi, là nhà văn, nhà báo Việt Nam giữa thế kỷ 20. Khi viết văn, viết báo, ông ký nhiều bút hiệu như: Nam Chúc, Viên Nạp, Hậu Đình, Tinh Vệ, Bất Nghị, Vô Nhị, Hồng Phong, Anh Đào, XYZ…
Ông sinh ra tại Huế, nguyên quán tại xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Ông là con trưởng của Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ (tức Hoàng giáp) Đào Nguyên Phổ. Vợ là bà Lương Thị Hòa, con gái Lương Ngọc Quyến và là cháu nội Lương Văn Can. Thuở nhỏ, Đào Trinh Nhất theo học chữ Hán ở quê nhà, sau lên Hà Nội học chữ Pháp và chữ quốc ngữ.
Từ năm 1921 – 1925, ông bước vào làng báo, làm biên tập cho Hữu thanh tạp chí và Thực nghiệp dân báo. Sau ông viết bài cho các báo như Trung hòa nhật báo, báo Đông Pháp (phần phụ chương viết bằng tiếng Việt của tờ báo Pháp France Indochine).
Năm 1925, ông vào Sài Gòn và làm thư ký tại Chez Phan Chu Trinh, số 5 Catinat (nay là đường Đồng Khởi).
Tháng 03/1926, ông sang Pháp du học. Tháng 4 năm đó, ông tới Paris, liên lạc với Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Như Phong và viết cho báo Việt Nam Hồn.
Năm 1927, ông về nước và ở luôn trong Nam để viết báo, viết sách cho đến bị trục xuất về Bắc vào năm 1939.
Trong khoảng 10 năm ấy, ở Sài Gòn, ông đã cộng tác với các báo: Phụ nữ tân văn, Công luận, Thần chung, Tân Văn, Việt Nam, Điểm tin và làm chủ bút cho báo Ðuốc Nhà Nam (Flambeau d'Annam) của Bùi Quang Chiêu (1930-1931), tự xuất bản báo Mai (tháng 02/1936-1938).
Ra Hà Nội, ông viết cho tờ Trung Bắc Chủ nhật (1940-1945) và báo Nước Nam (1944-1945).
Sau năm 1945, ông hồi cư về Hà Nội, ông tiếp tục viết cho báo Ngày mới, Việt thanh.
Năm 1948, ông viết cho tờ Cải tạo.
Năm 1949-1950, ông vào lại Sài Gòn, làm trong bộ Ngoại giao với Nguyễn Phan Long và viết cho báo Ánh sáng, Sài Gòn mới, Dân thanh cho đến ngày mất.
Ông mất trong một gian nhà nhỏ ở xóm Hòa Hưng (Sài Gòn) vào chiều thứ Sáu ngày 18 tháng Giêng năm Tân Mão (23/11/1951), hưởng dương 52 tuổi và được an táng tại nghĩa địa Hòa Hưng.
- Các tác phẩm:
- Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Thụy ký, Hà Nội, 1924)
- Đông Chu liệt quốc (Dịch, Sài Gòn, 1928)
- Thần tiên kinh (Dịch của A lan Kardec, 1930)
- Cái án Cao Đài (Sài Gòn, 1929)
- Việt sử giai thoại (Hà Nội, 1934)
- Nước Nhựt bổn 30 năm Duy Tân (Đắc Lập, Huế, 1936)
- Phan Đình Phùng - Một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời (Cao Xuân Hữu, Hải Phòng, 1936; Đại La, Hà Nội, tái bản 1945; Tân Việt, Sài Gòn, tái bản 1957)
- Việt Nam Tây thuộc sử (Đỗ Phương Huế, Chợ Lớn, 1937)
- Phan Đình Phùng - Nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1886-1895) ở Nghệ Tĩnh (1937)
- Đông Kinh Nghĩa Thục (Mai Lĩnh, Hà Nội, 1938)
- Ngục trung thư (Đời cách mạng Phan Bội Châu) (Mai Lĩnh, Hà Nội, 1938; Tân Việt, Sài Gòn tái bản, 1950)
- Cô Tư Hồng (Tiểu thuyết, Trung Bắc Tân Văn Chủ nhật, 1940; Trung Bắc Thư xã, Hà Nội, 1941)
- Kẻ bán trời (1942)
- Đóng cửa dạy chồng (1942)
- Con quỷ phong lưu (Hà Nội, 1943)
- Vương An Thạch (1943)
- Lê Văn Khôi (1944)
- Vương Dương Minh - Người xướng ra học thuyết lương tri và tri hành hợp nhất (Hà Nội, 1944; Tân Việt, Sài Gòn tái bản 1950)
- Con trời ngã xuống đất đen (1944)
- Chu Tần tinh hoa (1944)
- Bùi Thị Xuân (1945)
- Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 (Quốc Dân thư xã, Hà Nội, 1946; Tân Việt, Sài Gòn tái bản 1957)
- Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, ông mới dịch được nửa bộ, đang đăng báo thì từ trần (Bốn Phương xuất bản, Sài Gòn, 1950)