Ấn phẩm "Là Bóng hay là Hình" là tác phẩm nổi tiếng của tác giả F.M. Dostoievski do dịch giả Đinh Đắc Phúc chuyển ngữ Việt văn, được nhà xuất bản Đất Sống ấn hành lần thứ nhất năm 1973. Ấn bản đang lưu giữ tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất đẹp, sách nguyên bìa gáy, ruột sách đẹp, lõi sách chắc chắn.
Trong một bức thư gởi cho Mikhail, một người anh, vào tháng 11.1845. Dostoievki đã viết: “Tôi tin là tiếng tăm của tôi đã lên đến tột đỉnh”. Lời ấy biểu lộ niềm kiêu hãnh của một nhân tài tự nhìn rõ vóc dáng lớn lao của mình đang vươn cao trên vòm trời văn hóa quê hương: nước Nga, vào lúc mà nền văn học già nua đang kỳ phát khởi lạ lùng của những công trình trường thiên bất hủ, thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20: những công trình đã mô tả kiếp người khắc khoải trong đa mang tâm sự, lao đao trong xã hội trầm luân.
Niềm kiêu hãnh của Dostoievski giá trị như một lời tiên tri, vì dù rằng khi vừa ra đời, tác phẩm “Là Bóng hay là Hình” đã không được giới phê bình niềm nỡ đón mừng, thì càng về sau, tác phẩm này, và nói chung văn nghiệp của Dostoievski, càng được văn giới Nga, Âu Châu, và cả thế giới ân cần ngưỡng mộ.
Được xuất bản vào năm 1846, “là bóng hay là hình” vẫn là hình ảnh con người trong trong cái nhìn lạ lùng của Dostoiesvski, ném ánh mắt tinh tế vào tận nẻo thâm cùng của tâm hồn con người, những tâm hồn độc đáo, bất thường, bệnh hoạn.
Golyadkin, nhân vật của câu chuyện, và “cái bóng sống thực” của y, cho ta thấy sự hoảng hốt ngỡ ngàng của con người về chính mình: rất gần mà rất xa, thân thiết mà hận thù, thật một mà quả hai, rất hai nhưng chỉ là một. Nhưng mỗi chàng Golyadkin là một mẫu người: Nếu Golyadkin là một tích lũy của những dồn nén ẩn ức, thì Golyadkin hai là sự giải tỏa những ẩn ức dồn nén đó: nếu Golyadkin một là con người trong sạch (theo cái nghĩa gần như sơ khai, nguyên thủy) thì Golyadkin hai là một người tạo ra bởi những giả dối của xã hội văn minh. Và tâm hồn què quặt của Golyadkin là bãi chiến, là sự giằng co giữa hai con người đó.
Nhưng trong cuộc chiến này không bên nào có thể tiêu diệt hoàn toàn đối thủ của mình.
Không phải chỉ Dostoievski là người duy nhất mô tả tâm lý bằng phường cách quái lạ này, trong câu chuyện chập chờn, không hề có một phân định giữa ảo tưởng và thực tế, chập chờn như những giấc ngủ mê sảng của Golyadkin, nhưng nhân vật của ông có một sắc thái riêng, vừa huyền hoặc, vừa triết lý.
Nhân vật William Wilson của Poe chẳng hạn, không thể hòa hợp với cái “bóng sống” của mình như Golyadkin, đến như những nhân vật Jekyll và Hyde của Stevenson thì lại quá cách biệt, xa xôi.
Giới thiệu tác phẩm “là bóng hay là hình” qua Việt ngữ, chúng tôi hy vọng đã mở được một cánh cửa theo một phương vị thích hợp, để từ đó độc giả Việt Nam có thể nhìn được một mẫu hương sắc và tiêu biểu nhất cho một cánh rừng bao la: văn nghiệp Dostoievski.
Chúng tôi cũng tiếc là đã phải dịch tác phẩm này căn cứ trên bản Anh ngữ của Andrew R. Mac Andrew, do đó dầu đã cố gắng dịch sát vẫn khó có thể tránh được một khoảng cách với nguyên tác Nga ngữ, một ngôn ngữ mà người Nga vẫn tự hào là gồm đủ nét hùng vĩ của tiếng Anh, diễm lệ của tiếng Pháp, âm điệu của tiếng Ý và quý phái của tiếng Tây Ban Nha.