Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) tự Ôn Như, là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Ông quê ở làng Hoạch Trạch (làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Thuở nhỏ ông đã học cả Hán học lẫn Tây học. Năm 17 tuổi ông tốt nghiệp trường Thông ngôn và trường Bưởi, sau đó ông dạy ở trường tiểu học Bờ Sông, Hà Nội. Ông còn dạy ở trường Bưởi, trường Sĩ Hoạn (Hậu bổ), trường Sư phạm...
Sau đó, ông làm Thanh tra các trường sơ học và phụ trách Tu thư cục của Nha học chính. Ông còn làm Hội trưởng Hội ái hữu các nhà giáo, thành viên Khai Trí Tiến Đức, Cổ Kim Thư xã.
Năm 1934, Nguyễn Văn Ngọc được bổ nhiệm làm đốc học tỉnh Hà Đông, ông tham gia thành lập Hội Phật giáo Bắc Việt và góp sức xây dựng chùa Quán Sứ thành Hội quán trung ương. Ông mở hiệu sách là Vĩnh Hưng Long thư quán tại 51 Hàng Đường, Hà Nội, chủ yếu là để bán sách của ông viết ra.
Ông còn là một trong những người có công trong việc bảo tồn sân khấu dân gian. Ông cùng người anh cả là nhà trí thức yêu nước Nguyễn Trọng Oánh và ông Đỗ Thập đã lập nên sân khấu Sán nhiên đài, là rạp hát chèo đầu tiên trên sân khấu hộp ở Hà Nội.
Nguyễn Văn Ngọc mất ngày 26/04/1942 ở tuổi 52.
- Các tác phẩm:
- Bàn về vấn đề cải lương hương chính (1920)
- Phổ thông độc bản (1922)
- Người Mường (1925)
- Đông Tây ngụ ngôn (1927)
- Nam thi hợp tuyển (1927)
- Tục ngữ phong dao (1928)
- Nhi đồng lạc viên (1929)
- Để mua vui (1929)
- Phổ thông độc bản lớp đồng ấu (1930)
- Câu đối (1931)
- Luân lý giáo khoa thư (1932)
- Đào Nương Ca (1932)
- Truyện cổ nước Nam (1932)
- Cổ học tinh hoa (hợp soạn, 1933)
- Méthode langue annamite (1933)
- Truyện ngụ ngôn (1935)
- Giáo khoa văn học An Nam (cùng với Trần Trọng Kim chữ Pháp, 1936)