Phan Văn Hùm (1902-1946), bút danh Phù Dao, là một nhà báo, nhà văn, nhà cách mạng, và là lãnh tụ phong trào Cộng sản Đệ Tứ tại Việt Nam.
Phan Văn Hùm sinh ra tại ấp Búng, làng An Thạnh, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Ông có hai vợ, vợ chính là Dương Thị Lại (1905-1992), vợ thứ là Mai Huỳnh Hoa (1910-1987).
Sinh ra trong một gia đình nông dân, buổi đầu Phan Văn Hùm theo học ở Sài Gòn, đậu bằng Thành chung. Ông dạy học một năm, sau ra Hà Nội học trường Cao đẳng Công chính (1924-1925) rồi được bố trí làm Tham tá công chính ở Huế. Đến năm 1927 ông bị buộc thôi việc vì ủng hộ nữ sinh trường Đồng Khánh (Huế) bãi khóa nhân đám tang Phan Châu Trinh.
Ngày 28/09/1928, Phan Văn Hùm cùng Nguyễn An Ninh đi Bến Lức (Long An), vô cớ bị cảnh sát xét hỏi giấy tờ tùy thân rồi còn bị đánh đòn. Ông đánh trả nên bị vu cáo tội cướp, phải vào ở Khám Lớn Sài Gòn. Những ngày ở trong tù, Phan Văn Hùm viết tác phẩm “Ngồi tù Khám Lớn”, nhà in Bảo Tồn nhận ấn hành, nhưng sách mới ra mắt thì bị cấm (1929).
Ngày 08/05/1929, ông bị tòa tuyên phạt 3 tháng tù treo và phạt tiền. Tháng 9 năm đó, Phan Văn Hùm sang Pháp học tại Đại học Sorbonne (Paris), đỗ cử nhân và cao học triết. Ra trường, ông đi dạy tiếng Việt ở Toulouse. Ở đây, ông chịu ảnh hưởng của Đệ Tứ Quốc tế cộng sản Pháp, nên có những tư tưởng và hành động khiến nhà cầm quyền lưu ý, lùng bắt. Ông trốn sang Bỉ rồi về Sài Gòn vào tháng 7 năm 1933.
Về nước, Phan Văn Hùm hợp tác với Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Lê Văn Thử, Hồ Hữu Tường ra báo La Lutte (Tranh đấu), làm chủ bút tờ Đồng Nai và viết cho nhiều báo khác... Ngoài việc viết báo ông còn đi dạy học ở các trường trung học tư thục, trường Trung học Paul Doumer. Được ít lâu thì ông bị thôi việc vì tổ chức các giáo viên bãi khóa.
Năm 1936, Phan Văn Hùm với Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo trúng cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn. Năm 1937, ông viết tác phẩm “Nỗi lòng Đồ Chiểu” và “Biện chứng pháp phổ thông” (tập hợp những bài diễn thuyết của ông về đề tài này tại Hội quán Khuyến học hội).
Tháng 4 năm 1939 ông ứng cử vào Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ và trúng cử, nhưng bị nhà cầm quyền Pháp tìm cách loại bỏ ông.
Đầu năm 1946, khi Pháp đánh chiếm lại Nam Bộ thì Phan Văn Hùm mất, hưởng dương 44 tuổi.
- Các tác phẩm:
- Nỗi lòng Đồ Chiểu (Đỗ Phương Quế xuất bản 1938)
- Phật giáo triết học (Tân Việt, 1942)
- Vương Dương Minh (Tân Việt, 1944)
- Ngồi tù Khám Lớn (Dân tộc, 1957)
- Tiền bạc (Khảo cứu về vấn đề tiền tệ) (Tân Việt, 1945)
- Đồ Chiểu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Phan Văn Hùm hiệu đính và chú thích, Nhượng Tống tăng bình bổ chú (Tân Việt)
- Biện chứng pháp phổ thông (Đỗ Phương Quế xuất bản)