VIỆT NAM PHÁP THUỘC SỬ - ẤN BẢN LẦN HAI

Tình trạng: Còn 1 ấn phẩm
Mã sản phẩm: VNPTSL2pre75
Tác giả: Phan Khoang
Nhà xuất bản: Khai Trí
Năm xuất bản: 1971
Số trang: 510

Giới thiệu sách

Ấn phẩm "Việt Nam Pháp thuộc sử" do sử gia Phan Khoang biên soạn. Sách được nhà xuất bản Khai Trí ấn hành lần thứ hai năm 1971. Ấn bản đang lưu tại Quán Sách Mùa Thu có tình trạng rất đẹp. Sách dày 510 trang, khổ to, giấy trắng dày, bìa gáy đầy đủ, lõi sách chắc chắn, ruột đủ trang. Ở lần tái bản sau bản in lần đầu 10 tác giả có bổ sung thêm hình ảnh minh hoạ.

Lịch sử cuộc mất chủ quyền của một nước là lịch sử tối cần thiết cho nhân dân nước ấy.

Vì có thấy rõ việc trước mới đề phòng và lo liệu cho việc sau, có thấy những sai lầm, những đắc sách của người xưa, thì người nay và người sau mới lo tránh hoặc gắng bắt chước theo; có cảm những hờn tủi của người dân mất nước mới phấn khích, tự cường mà mưu nghĩ đến cuộc phục hưng.

Trong lịch sử cận đại của người Việt Nam, sự can thiệp của nước pháp, như lấy Nam kỳ làm thuộc địa, đặt bảo hộ ở Trung và Bắc kỳ là một biến cố lớn lao và hệ trọng.

Từ trước đến nay, biến cố ấy chỉ ghi chép trong các sách, sử, rời rạc tùy theo việc lặt vặt, chưa có một quyển sử nào chuyên chép riêng ra và đầy đủ. Mà những sự tình trong 80 năm ngoại thuộc ấy lại tô điểm bởi một cuộc chống chọi, tranh đấu không ngừng của dân tộc Việt Nam, đáng cho hậu thế chiêm nghiệm biết bao !

Truy nguyên từ khi người Âu châu mới đặt chân lên đất Việt Nam, thế kỷ 16, sự giao thiệp của họ và ta ở thế kỷ 17, sự cầu cứu nước Pháp của hoàng tử Cảnh và tiếng súng đầu tiên đã nổ ở Đà Nẵng 1847. Trong sự tình ấy, thao lược của Nguyễn Tri Phương, nghĩa khí của Trương Định là những tài liệu rất quý báu của quốc sử.

Viết trong quyển sách này, ngoài viết sơ thảo lịch sử còn có sửa sang lại một thiên sử đầy đủ và xác nhận về cuộc thất bại của tổ tiên chúng ta trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Tất cả để tỏ rõ một " vết xe cũ" cho người đời sau trông thấy những sai lầm ,đắc sách của người xưa mà người ngày nay mới lo tránh và tự cường mà phục hưng cho đất nước .

Sử gia Phan Khoang đã viết sử dựa trên căn bản hệ thống tư liệu rất đồ sộ, quý hiếm để phục dựng các chi tiết lịch sử cận đại Việt Nam, kể từ thời Chúa Nguyễn vào Nam “khai hoang mở cõi” cho đến khi nước nhà bị thực dân Pháp xâm lược. Bên cạnh đó, nhờ được thừa hưởng vốn Hán văn của thân phụ, Phan Khoang đã chú giải các nhân vật, địa danh cẩn trọng, tường minh, bảo đảm khách quan trong tường thuật các chi tiết lịch sử.

Về văn phong, ông có lối viết sử rất lịch lãm mà giản dị, uyên thâm mà rất bình dân. Điều này khiến độc giả có thể đọc một mạch tác phẩm của ông như những “tiểu thuyết lịch sử” đầy cuốn hút. Thêm vào đó, các tác phẩm của Phan Khoang có thể đại diện cho nhận thức của giới sử học miền Nam trước năm 1975 về lịch sử xứ Đàng Trong, vai trò mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn, cuộc xâm lược của thực dân Pháp…

Phan Khoang có những nhận định tương đối khác biệt về phương châm Nam tiến của các Chúa Nguyễn suốt dặm dài lịch sử: “Như đã thấy, khi cuộc chiếm cứ hết đất Chiêm Thành gần như hoàn tất, với những hoạt động ngoại giao, quân sự, các chúa Nguyễn lần lượt xâm lấn Thủy Chân Lạp để đem vào bản đồ miền Nam rộng rãi, phì nhiêu. Ngoại giao để can thiệp nội tình Hoàng gia Chân Lạp mà nhất là Tiêm La... Còn quân sự chỉ khi cần mới dùng đến”.

Nói gì thì nói, vai trò của chúa Nguyễn trong việc mở rộng bờ cõi đất nước về phía Nam trù phú là không thể phủ nhận.

0972 873 962