Mộng Bình Sơn (1923–2011) là một nhà văn, dịch giả người Việt Nam. Trong sự nghiệp văn chương của mình, ông sử dụng nhiều bút danh như Phan Canh, Phan Cảnh Trung, Phan Hồng Trung, Hồng Trung, Nguyễn Quân, Phan Quân... và tham gia hầu hết các lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật, phê bình, khảo cứu, biên soạn, sưu tầm, dịch thuật... Đặc biệt, ông được coi là người tiên phong khai sinh ra tiểu thuyết kiếm hiệp Việt Nam.
Dịch giả Mộng Bình Sơn, tên thật là Phan Canh, sinh năm 1923 tại xóm Thọ Sơn, Thôn Thọ Lộc, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là con thứ 13 của một gia đình chức sắc thời Bảo Đại, học đến trung học, nhưng thi tú tài Tây không đậu, ảnh hưởng nhiều nền Tây học, giao du và quan hệ với người Pháp nhiều nên ông rành tiếng Pháp hơn tiếng Hán.
Năm 1946, ông được theo học lớp đào tạo Tư Pháp tại Bồng Sơn, rồi được bổ vào làm thẩm phán tại Tòa án tỉnh Phú Yên (Chính phủ quốc gia miền nam Việt Nam – thời Bửu Lộc). Thời trẻ, ông còn có tài sử dụng Violon, họa chân dung. Có người nói rằng, từ khi vướng vào mối duyên với “Nhị Kiều” năm 1967, cuộc đời ông quanh quẩn trong nhà, và chỉ có sáng tác và sáng tác, mọi mối quan hệ bên ngoài hầu như ngưng trệ. Nhất là thời điểm sau năm 1975, đến nỗi nhiều tác phẩm của ông bị đổi tên, thay tác giả, xuất bản lậu ông cũng không hề biết, thậm chí không quan tâm.
Ông tạ thế vào tháng 5 năm 2011, thọ 89 tuổi.
- Các tác phẩm:
- Dịch thuật:
- Hán Sở Tranh Hùng (tên Hán Việt là "Tây Hán Chí") (48 hồi) – NXB Trẻ (1989)
- Tái Sanh Duyên (còn gọi là "Sự tích Mạnh Lệ Quân") (74 hồi)
- Thuyết Đường (27 hồi)
- Vạn Huê Lầu Diễn Nghĩa (47 hồi) – NXB Văn học (năm 2000)
- Nhạc Phi Diễn Nghĩa
- Xuân Thu Chiến Quốc
- Diệp Gia Kiếm
- Phong Thần Diễn Nghĩa (bộ 04 tập) – NXB Tổng hợp Kiên Giang (năm 1989)
- Chung Vô Diệm
- Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa
- Phê bình, khảo cứu:
- Ôn Cố Tri Tân – Những Tấm Gương Phản Chiếu Muôn Đời Trong Truyện Đông Châu Liệt Quốc
- Từ điển Danh Ngôn (Với Hơn 10.000 Câu Danh Ngôn Của Các Danh Nhân Từ Cổ Chí Kim)
- Tìm hiểu Phong Thổ Học Qua Quan Niệm Triết Đông (Văn Hóa Phương Đông)