Phan Huy Chú (1782-1840) là danh nhân văn hoá Việt Nam, nhà khoa học bách khoa thư văn sử địa nổi tiếng. Ông đồng thời cũng là nhà giáo, nhà thơ của triều vua Minh Mạng.
Ông tên thật là Phan Huy Hạo, quê gốc xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; sinh ra và lớn lên ở xã Thụy Khê, huyện Yên Sơn, Phủ Quốc Oai, nay là làng Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, nay thuộc địa phận Hà Nội. Ông xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng, là con trai thứ ba của Lễ bộ Thượng thư, tiến sĩ Phan Huy Ích. Ông nội là tiến sĩ Phan Huy Cận, ông ngoại là Ngô Thì Sĩ, bố vợ là Nguyễn Thế Lịch, bác là Ngô Thì Nhậm, chú là Phan Huy Ôn, anh là Phan Huy Thực… Tác động của dòng dõi tài danh, hiếu học và những quan hệ trí tuệ đã ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, tính cách của nhà khoa học Phan Huy Chú.
Phan Huy Chú là một nhà bác học, danh nhân văn hoá Việt Nam, với tài danh lỗi lạc về bách khoa thư. Ông đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm có giá trị, nổi bật nhất là bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” gồm 49 quyển khảo cứu về lịch sử Việt Nam từ lập quốc đến cuối triều Lê.
Phan Huy Chú là tấm gương lớn về hoạt động học thuật. Ông không được khoa bảng như cha ông, song thực học, thực tài, uyên bác, xuất chúng. Ông thực hiện công việc nghiên cứu bằng lao động khoa học miệt mài, với tâm huyết lớn. Ông đặt trọng tâm cuộc đời vào việc viết sách và dạy học. Với ông “văn minh của loài người đều chứa trong sách vở”.
Ông bắt đầu làm quan từ năm 1821 được hơn mười năm thì xin từ quan về nhà mở trường dạy học ở làng Thanh Mai thuộc huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) rồi mất tại đó vào năm Canh Tý 1840, thọ 58 tuổi.
- Một số tác phẩm:
- Lịch triều hiến chương loại chí
- Mai Phong du Tây thành dã lục
- Hoa thiều ngâm lục (tập thơ đi sứ sang Trung Quốc)
- Hoa trình ngâm lục
- Hoàng Việt dư địa chí
- Hải trình chí lược - tên khác là Dương trình ký kiến
- Lịch đại điển yếu thông luận
- Bình Định quy trang