Bùi Giáng (17/12/1926 – 07/10/1998) là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng…
Ông sinh ra tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con đầu của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.
Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu. Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn. Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh.
Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung. Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh.
Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê để đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước.
Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, ông lại quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.
Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông.
Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành Lục tỉnh" (chữ của Bùi Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc.
Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng mất lúc 2 giờ chiều ngày 07/10/1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) sau những năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang" (chữ của Bùi Giáng). Ông được chôn cất tại nghĩa trang Gò Dưa, TP. Thủ Đức.
- Các tác phẩm:
- Tập thơ:
- Mưa nguồn (1962), 140 bài thơ
- Lá hoa cồn (1963), 46 bài thơ
- Màu hoa trên ngàn (1963)
- Ngàn thu rớt hột (1963)
- Bài ca quần đảo (1963), 33 bài thơ
- Sa mạc trường ca (1963)
- Sa mạc phát tiết (1969)
- Mưa nguồn hòa âm (1973), 40 bài thơ
- Mùi Hương Xuân Sắc (1987)
- Thơ Bùi Giáng (1994)
- Rong rêu (1995), 18 bài thơ
- Bèo mây bờ bến (1996), 12 bài thơ
- Đêm ngắm trăng (1997), 108 bài thơ
- Như sương (1998), 73 bài thơ
- Mười hai con mắt (2001), 38 bài thơ
- Thơ vô tận vui (2005)
- Mùa màng tháng tư (2007)
- Nhận định:
- Nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan (1957)
- Nhận xét về Lục Vân Tiên (1957)
- Nhận xét về Chinh phụ ngâm và Quan Âm Thị Kính.
- Nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần (1957)
- Giảng luận (1957-1959):
- Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
- Giảng luận về Chu Mạnh Trinh
- Giảng luận về Tôn Thọ Tường
- Giảng luận về Phan Văn Trị
- Triết học:
- Tư tưởng hiện đại (1962)
- Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại I và II (1963)
- Sao gọi là không có triết học Heidegger? (1963)
- Dialogue (viết chung, 1965)
- Tạp văn:
- Năm 1969:
- Đi vào cõi thơ
- Thi ca tư tưởng
- Sa mạc phát tiết
- Sương bình nguyên
- Trăng châu thổ
- Mùa xuân trong thi ca.
- Thúy Vân
- Năm 1970:
- Biển Đông xe cát
- Mùa thu trong thi ca
- Năm 1971:
- Ngày tháng ngao du
- Đường đi trong rừng
- Lời cố quận
- Lễ hội tháng Ba
- Con đường ngã ba - Bước đi của tư tưởng
- Sách dịch:
- Năm 1966:
- Trăng Tỳ hải
- Cõi người ta
- Khung cửa hẹp
- Hoa ngõ hạnh
- Othello
- Năm 1967:
- Bạo chúa Caligula
- Ngộ nhận
- Kim kiếm điêu linh
- Năm 1968:
- Con đường phản kháng
- Mùa hè sa mạc
- Kẻ vô luân
- Năm 1969:
- Nhà sư vướng lụy
- Ophélia Hamlet
- Hòa âm điền dã
- Năm 1973, 1974:
- Hoàng Tử Bé (1973)
- Mùa xuân hương sắc (1974)
- Âm nhạc:
- Con mắt còn lại (1992) của Trịnh Công Sơn lấy từ cảm hứng của bài thơ “Mắt buồn” trong tập thơ "Mưa nguồn".
- Mùa thu chết (1965) của Phạm Duy lấy lời thơ của Bùi Giáng dịch "L'Adieu", nguyên tác của Guillaume Apollinaire.